Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng trong buổi làm việc với Bộ TT&TT sáng 8/9/2018. Ảnh Xuân Phú.
|
Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng với Bộ TT&TT vào sáng ngày 8/9/2018, ông Lưu Vũ Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC đã đề nghị Chính phủ cần sử dụng mọi biện pháp, bao gồm biện pháp pháp lý, công nghệ, kỹ thuật để tạo hành lang cho doanh nghiệp nội dung số trong nước được kinh doanh bình đẳng với các doanh nghiệp xuyên biên giới, để ngành nội dung số trong nước phát triển tốt hơn.
Quy mô phát triển của ngành nội dung số trong nước hiện còn rất nhỏ, chưa xứng với tiềm năng của thị trường. Hiện cả nước có khoảng 3.200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nội dung số, nhưng tổng doanh thu năm 2017 mới đạt khoảng 800 triệu USD, mức tăng trưởng hàng năm bình quân khoảng 18%/năm. Theo ông Lưu Vũ Hải, quy mô của ngành nội dung số chưa lớn, chưa xứng với tiềm năng, trong đó có lý do là chính sách hiện chưa tạo sự bình đẳng trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp nội dung số trong nước phải chịu sự cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp xuyên biên giới. Doanh nghiệp trong nước bị quản lý rất chặt, trong khi các doanh nghiệp xuyên biên giới cung cấp dịch vụ thoải mái, có nhiều ưu đãi. Nhà nước vẫn chưa tạo được chính sách công bằng để các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh.
Tình trạng ưu đãi, bảo hộ ngược với các doanh nghiệp nội dung số nước ngoài, làm các doanh nghiệp trong nước không thể phát triển được đã được nói đến rất nhiều trong mấy năm gần đây. Các doanh nghiệp xuyên biên giới nước ngoài như Facbook và Google đã chiếm lĩnh thị trường quảng cáo số ở Việt Nam. Hiện cả hai mạng xã hội này đã có 95 triệu người dùng ở Việt Nam, doanh thu ước đạt 370 triệu USD, nhưng các mạng xã hội này chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam. Việc kiểm soát thông tin người dùng lỏng lẻo dẫn đến có nhiều thông tin vi phạm pháp luật được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội, như quảng cáo liên quan đến sex, ma túy, súng đạn, thuốc tân dược tràn lan. Thông tin giả mạo, thông tin vi phạm bản quyền cũng được đăng tải mà không có sự kiểm soát.
Từ tháng 4/2018 tới nay, các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam rơi vào tình cảnh kinh doanh rất khó khăn do các nhà mạng dừng không cho thanh toán thẻ cào cho các dịch vụ nội dung số. Việc tạm dừng thanh toán thẻ cào khiến cả nhà mạng và doanh nghiệp nội dung số bị sụt giảm doanh thu.