Trong chia sẻ về The Next Power mới đây, cha con Chủ tịch Lê Viết Hải và Tổng Giám đốc Lê Viết Hiếu của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã có những chia sẻ về quyết định chuyển giao thế hệ cũng như quá trình tái cấu trúc toàn diện doanh nghiệp.
Cụ thể, thời điểm đại dịch năm 2020-2021, Hòa Bình được biết đã tái cấu trúc toàn diện từ mô hình kinh doanh đến hệ thống quản lý và tài chính, trong đó bao gồm việc chuyển giao quyền quản lý công ty giữa nhà sáng lập Lê Viết Hải cho con trai Lê Viết Hiếu sau hơn 3 thập kỷ vận hành. Đến tháng 11/2021, Hòa Bình vượt đối thủ cạnh tranh để vươn lên trở thành doanh nghiệp xây dựng có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán, cho thấy những động thái của Công ty là đúng đắn.
"Tôi nghĩ sự bổ sung của thế hệ trẻ, sự phối hợp giữa thế hệ đi trước và đi sau là rất cần thiết"
"Đúng là hai thế hệ có cách nghĩ khác nhau dù cùng một mục tiêu chiến lược hay một văn hóa doanh nghiệp. Nhưng tôi nghĩ sự bổ sung của thế hệ trẻ, sự phối hợp giữa thế hệ đi trước và đi sau là rất cần thiết", ông Lê Viết Hải chia sẻ.
Với tầm nhìn trở thành một tập đoàn đa quốc gia với doanh thu 20 tỷ USD trong năm 2032, ông Hải đánh giá cao lớp trẻ khi được trang bị kiến thức từ các trưởng học ở những nước phát triển cùng lợi thế tiếng Anh lưu loát.
Trước khi được bổ nhiệm làm tổng giám đốc năm 2020, ông Lê Viết Hiếu cũng đã được đào tạo về quản trị kinh doanh tại Mỹ và đã từng giữ vị trí lãnh đạo mảng phát triển thị trường nước ngoài của Hòa Bình trong 4 năm.
Về Hoà Bình, trong 30 năm từ 1988 đến 2018 thì cứ 5 năm tăng 5 lần, buộc Hòa Bình phải luôn luôn và liên tục thay đổi. Trong đó tập đoàn thực hiện rất nhiều cuộc cách mạng về công nghệ, kỹ thuật xây dựng, quy mô thị trường và dự án, phạm vi hoạt động, cơ cấu và sơ đồ tổ chức nhân sự, quy chế làm việc, điều lệ công ty, hình thức và mô hình hoạt động.
Tại quá trình tái cấu trúc gần nhất, ông Hiếu thực hiện tinh giản hóa lại từ quản lý cấp cao, sau đó tới phòng ban, nhân viên. Một số phó tổng, phòng ban được loại bỏ hoặc thêm mới, giảm bớt thủ tục trình xin ý kiến cũng như hợp tác với nhau cởi mở hơn.
"Khi tinh giản lại đội ngũ như vậy, việc mỗi tôi được trao quyền nhiều hơn là thứ nhất, thứ hai là trách nhiệm và chức năng của mỗi người cũng được tăng cường lên. Chúng tôi cũng sắp xếp lại những phòng ban, làm sao để phối hợp với nhau tốt nhất… Khi họ có một mục đích chung, họ sẽ hợp tác với nhau để đạt được mục tiêu đó", ông Hiếu nói.
Thực tế, để thực hiện bất cứ sự thay đổi nào, ông Hiếu đều dành nhiều công sức để thuyết phục các phó tổng đáng tuổi cha, chú. Ông thực hiện lấy ý kiến của rất nhiều người đi trước, hoàn thiện các phương án của mình rồi "ngồi riêng", "ngồi chung" và chuẩn bị những luận điểm và chứng cứ rất rõ ràng để thuyết phục.
Mặt khác, khi có một mục tiêu mới được đưa ra từ hội đồng quản trị, phong cách triển khai của vị tổng giám đốc này là "kiểm tra chéo", "đi từng bước cẩn trọng" để có sự đồng thuận cao. Lúc đó, công ty không vấp phải những vấn đề về pháp lý, tài chính hay những biến cố bên ngoài, tránh làm dự án chậm triển khai và tăng cơ hội thành công.
"Chủ tịch Lê Viết Hải luôn luôn có tính khẩn trương trong cách triển khai và đó là ngọn lửa kéo cả đầu tàu đi. Về tầm nhìn, mình có tầm nhìn chung. Về cách làm, mình cẩn trọng hơn. Mình tập trung vào việc quản lý rủi ro nhiều hơn", vị này nói thêm.
2 thách thức lớn cho ngành xây dựng: Thiếu nhân công chất lượng cao và chi phí quá cao
CEO Hoà Bình, ông Lê Viết Hiếu.
Hiện, theo lãnh đạo Hoà Bình, việc áp dụng công nghệ mới vào ngành xây dựng Việt Nam là rất khó khi hệ sinh thái và chuỗi cung ứng của những vật liệu cũ đã quá hoàn thiện nên chi phí được tối ưu. Tuy nhiên, nếu như không áp dụng những công nghệ mới thì ngành xây dựng nước nhà sẽ đối mặt với những gì mà những nước phát triển đối mặt ngay lúc này: thiếu nhân công chất lượng cao và chi phí quá cao.
"Trong tương lai, nếu như chúng ta muốn có một lợi thế cạnh tranh thật sự và bền vững, chúng ta phải hướng tới những cái giá trị cao hơn. Chúng ta phải có những vật tư, công nghệ riêng của mình", ông Hiếu khẳng định.
Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam đa số đem vật tư mới, vật liệu mới hoặc phần mềm mới ở nước ngoài về để áp dụng theo kịp chuẩn quốc tế. Tuy nhiên trong tương lai sẽ cần tốn thời gian và chi phí đầu tư để không bị tụt hậu. Theo đó, để có thể thực sự cạnh tranh, doanh nghiệp phải giải quyết 3 bài toán gồm: (i) năng lực tài chính để có thể mở rộng ra thị trường nước ngoài, (ii) nâng cao tay nghề và trình độ ngoại ngữ của nguồn nhân lực, đồng thời (iii) kết nối hệ sinh thái ngành xây dựng như vật tư, nhà thầu phụ ở nước ngoài.
Đặc biệt, để xứng tầm với thế giới, ông Hiếu cho rằng các công ty Việt Nam rất cần nâng cao tính minh bạch trong vận hành và đảm bảo các yếu tố ESG (Environmental, Social and corporate Governance - mối liên hệ giữa Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp).
"Mình là người nắm trong tay cái tương lai và sẽ vẽ nên những cái công trình như thế nào, những tòa nhà như thế nào, những sản phẩm như thế nào. Mình nắm trong tay tương lai một phần của đất nước. Mình thấy rất may mắn là mình được tham gia vào công cuộc xây dựng đó", ông nói.
Và một trong những bước đi mang tính xây dựng mới nhất Hoà Bình là rót 900 tỷ thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo Hòa Bình rộng 2,5ha tại Khu công nghệ cao thuộc Quận 9, Tp.HCM. Tập đoàn cho biết trung tâm đang làm việc để hình thành mô hình hỗ trợ các chuyên đề nghiên cứu của công ty khởi nghiệp, hoặc dùng những máy móc, thiết bị, không gian đó để nghiên cứu và phát triển cho chính tập đoàn.
"Đây là một quy mô lớn so với nhiều trung tâm của nhiều doanh nghiệp khác. Một mình Hòa Bình sẽ không khai thác hết và không hiệu quả. Vì vậy, chúng tôi chủ trương đây là cơ sở vật chất sáng tạo phục vụ chung cho nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành", Chủ tịch Hải nhấn mạnh.