Việt Nam đang phát triển nền kinh tế mở. Đặc biệt, ở bối cảnh hiện tại, Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Theo thống kê, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Vì thế, điều chắc chắn là Việt Nam sẽ chịu tác động của cuộc chiến này, nhưng là tích cực hay tiêu cực thì lại phụ thuộc rất nhiều và sự khôn khéo của các nhà hoạch định chính sách thương mại.
Cuộc chiến tranh thương mại mang lại những cơ hội và thách thức khác nhau cho Việt Nam. Cơ hội dễ thấy nhất là hiệu ứng chuyển hướng mua hàng. Khi Mỹ và Trung Quốc thi hành chính sách bảo hộ thương mại, đánh thuế lên tới 360 tỷ USD đối với hàng hóa của nhau thì khả năng cao là vai trò cung ứng sẽ được dịch chuyển cho Việt Nam – hiện được đánh giá là công xưởng mới của thế giới.
Tuy nhiên, cơ hội này có tận dụng được hay không, theo Thứ trưởng Bộ Công thương sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố. Thứ nhất, diện mặt hàng và mức thuế mà Mỹ áp vào hàng hóa Trung Quốc là bao nhiêu. Thứ hai, hàng Việt Nam có đủ năng lực cạnh tranh để thâm nhập vào các thị trường mới hay không.
Còn về thách thức, đó là ảnh hưởng của cuộc chiến này đến nền kinh tế toàn thế giới chứ không riêng Việt Nam. Ngân hàng Thế giới ước tính cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung này nếu tiếp tục leo thang sẽ làm giảm kim ngạch xuất nhập khẩu thế giới lên tới 3%.
Bất kỳ cuộc chiến thương mại nào cũng sẽ gây nên tình trạng bất ổn trên thị trường thế giới, gia tăng lạm phát, tác động này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng, rộng hơn là nền kinh tế vĩ mô và ngành công nghiệp sản xuất.
Khi hàng rào thương mại được dựng lên, các chuỗi giá trị của kinh tế quốc tế sẽ bị ảnh hưởng. Nằm trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, khu vực đang là điểm nóng của thương mại thế giới, để giảm bớt các tác động bất lợi đối với nền kinh tế, hiện nay chính phủ đã thay đổi chính sách kinh tế vĩ mô theo hướng bền vững. Việt Nam đang rất nhanh nhẹn và quyết liệt tham gia các hiệp định thương mại FTA song phương và đa phương, chủ động tìm kiếm đối tác thương mại với và đa dạng hóa sản phẩm.
Việc tìm kiếm đối tác mới thông qua FTA sẽ giúp Việt Nam giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào các thị trường lớn. Các mối quan hệ hợp tác song phương, ta đã chuyển hướng từ Trung Quốc và Hoa Kỳ sang các thị trường tiềm năng EU, Nhật Bản và các quốc gia châu Phi.
Đồng thời chính phủ cũng tranh thủ những diễn đàn hợp tác đa phương như đẩy mạnh 10 đối tác toàn diện chiến lược của Việt Nam, CPTPP, liên minh thương mại tự do với EU. Với riêng Hoa Kỳ, Việt Nam chủ động thúc đẩy mối quan hệ thương mại và đầu tư qua nhiều kênh khác nhau.
Với các đối tác mà trước đây có thâm hụt thương mại lớn như ASEAN, Trung Quốc, thì hiện nay cán cân thương mại đã được cải thiện đáng kể. Vì vậy cho đến nay Việt Nam vẫn chưa bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại.
Một trong những tin mừng mới nhất đối với Việt Nam trong Diễn đàn kinh tế 2019 là lời hứa của đại sứ Bruno Angelet - Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam: "Chúng tôi chắc chắc sẽ ký kết hiệp định này (EVFTA). Điều này sẽ mang lại cơ hội rất lớn, tôi sẽ cố gắng thúc đẩy nghị viện ký kết vào tháng 5, nếu không thể hoàn thành trong tháng 5 thì nhất định sẽ ký vào tháng 10".
Việc tham gia FTA cũng có những nguy cơ như hàng hóa nước ngoài sẽ tràn vào Việt Nam. Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định: Về quản lý nhà nước trong nhập khẩu hàng hóa dịch vụ, Việt Nam mở cửa nhưng sẵn sàng đáp trả nếu các nước thực hiện chính sách bảo hộ".