Phát biểu tại hội nghị, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, từ ngày 8/9, thành phố đã tiến hành đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng tại tất cả các quận, huyện, thị xã và các điểm tiêm chủng cố định, lưu động được đặt tại bệnh viện, trường học, phòng khám tư nhân, nhà văn hóa...
Đặc biệt ưu tiên và lưu ý cho lực lượng tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai và đẩy nhanh việc tăng độ bao phủ tiêm chủng. Bộ Y tế đã phân bổ vaccine kịp thời và sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự ủng hộ của người dân, bình quân mỗi ngày chiến dịch đã tiêm được 420.000 - 550.000 mũi; ngày cao điểm nhất đã tiêm 606.000 mũi.
Tính đến ngày 18/9, tổng số đã tiêm 6.432.921 mũi; trong đó có 5.671.487 mũi 1 (đạt 94% dân số trong độ tuổi tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên và 68,33% dân số); 786.095 mũi 2 (đạt 12% dân số trong độ tuổi tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên và 9,2% dân số).
Thời gian tới, thành phố tiếp tục chỉ đạo việc sàng lọc bằng xét nghiệm đối với các khu vực nguy cơ rất cao và nguy cơ cao theo đúng Công điện 1305 của Bộ Y tế. Thực hiện công tác xét nghiệm, sàng lọc đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao như chuỗi cung ứng, người giao hàng...
Từ đó, phân loại mức độ nguy cơ để có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo nguyên tắc "bảo vệ vững chắc vùng xanh", "xanh hóa vùng vàng", "thu hẹp vùng đỏ". Đồng thời, tiếp tục rà soát tiêm vét mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho người dân từ trên 18 tuổi trở lên chưa tiêm hoặc hoãn tiêm, tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 trên cơ sở số vaccine được phân, giao của Bộ Y tế.
Đối với việc triển khai tiêm vaccine COVID-19 mũi 2, ông Chử Xuân Dũng khẳng định, thành phố đã có dự liệu, tính toán để tiêm mũi 2 cho người dân, bảo đảm theo đúng tiến độ, kế hoạch.
Tuy nhiên, phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, mặc dù đạt được kết quả bước đầu nhưng Hà Nội vẫn có nguy cơ bùng phát dịch trở lại, bởi hiện nay vẫn còn F0 trong cộng đồng.
Lãnh đạo thành phố xác định chủ động chung sống hòa bình một cách an toàn với việc có F0 trong cộng đồng. Hà Nội không thể đóng chặt cửa ngõ bởi thành phố là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả nước, vì vậy nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài vào là rất cao. Chính vì thế, lãnh đạo thành phố tiếp tục duy trì 22 chốt cửa ngõ Thủ đô và 33 chốt giáp ranh giữa các quận, huyện của Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Ông Nguyễn Văn Phong cho biết, đến giờ, việc lưu thông về lao động Hà Nội sang làm việc tại các tỉnh lân cận và ngược lại cũng như những người có nhiệm vụ đặc biệt, công vụ,... chưa có gì ngăn cách, khó khăn, vẫn được tạo điều kiện thuận lợi để bảo đảm chuỗi cung ứng. Nhưng thành phố chưa có chủ trương mở cửa để người dân đi lại bình thường ở các cửa ngõ.
Theo tiêu chí của Bộ Y tế, Hà Nội vẫn chưa đạt được tiêu chí để trở lại trạng thái bình thường mới (ít nhất tiêm phủ 70% mũi 1 và 20% mũi 2), bởi mới đạt 12% người được tiêm mũi 2. Vì vậy, lãnh đạo thành phố xác định phải thận trọng, tính toán các bước đi để bảo đảm chủ động chung sống an toàn với dịch bệnh. Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội xác định, không thể chống dịch một mình, nên cần có sự tham khảo kinh nghiệm thế giới cũng như các địa phương lân cận.