Qua báo cáo của Chính phủ, Ủy ban TCNS đánh giá, việc triển khai nhiệm vụ chi NSNN cơ bản đã chấp hành các yêu cầu về tiết kiệm, kỷ luật tài chính, đảm bảo kinh phí hoàn thành các nhiệm vụ cần thiết như thực hiện chính sách an sinh xã hội, người có công, quốc phòng, an ninh... Tỷ lệ tăng chi ĐTPT, chi thường xuyên ở mức hợp lý so với dự toán, chủ yếu từ nguồn dự phòng NSNN và tăng thu NSNN theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Ủy ban TCNS cũng nêu ra một số vấn đề còn tồn đọng.
Thứ nhất, giám sát thực tế cho thấy, theo quy định hiện hành thì hầu hết các địa phương đang gặp khó khăn về chuyển nguồn vốn chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, mua sắm, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng. Vì vậy, cần có biện pháp để xử lý, tháo gỡ. Bên cạnh đó, việc sử dụng, cho vay từ tồn ngân kho bạc còn chưa có cơ chế, chính sách, quy định cụ thể bảo đảm vừa giữ an ninh tài chính quỹ ngân sách, vừa bảo đảm giảm thiểu khó khăn, chi phí trong việc huy động, phát hành TPCP. Đề nghị Chính phủ sớm có quy định cụ thể về vấn đề này.
Thứ hai, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2018 vẫn còn rất chậm, thậm chí thấp hơn tốc độ giải ngân năm 2017. Tính đến hết 31/01/2019 mới chỉ giải ngân được 75,8%. Trong đó, nguồn vốn trong nước đạt 79,8%, vốn TPCP đạt 48,1%, vốn ngoài nước đạt 53,6%. Tình trạng giải ngân chậm đã diễn ra khá nhiều năm, chưa có giải pháp mạnh, hiệu quả để điều chỉnh cũng như khắc phục.
Theo đó, số chuyển nguồn vốn đầu tư công cũng khá lớn, chỉ tính riêng số vốn đầu tư trong kế hoạch năm 2018 chưa giải ngân là 93,6 nghìn tỷ đồng. Nếu tính cả số chi chuyển nguồn qua các năm chưa chi được và số tăng thu từ đất và xổ số kiến thiết phải chuyển nguồn thì con số này còn lớn hơn rất nhiều. Qua giám sát, làm việc tại một số địa phương, Ủy ban TCNS nhận thấy việc giải ngân chậm có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là vướng mắc về tổ chức thực hiện phân bổ, giao vốn chậm, giải phóng mặt bằng kéo dài, năng lực thi công của nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu... Vì vậy, Ủy ban TCNS đề nghị làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu; đồng thời đề nghị Chính phủ cần khẩn trương chấn chỉnh nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành tổ chức, chỉ đạo thực hiện, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn, đi đôi với công tác thanh tra, kiểm tra để bảo đảm việc sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, hạn chế chuyển nguồn qua các năm.
Một số ý kiến cho rằng, phân bổ, bố trí vốn đầu tư phát triển ở một số địa phương cho giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội còn thấp. Đồng thời, việc giải ngân chậm nguồn vốn đầu tư phát triển (bao gồm cả các khoản vay vốn vay ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ ngoài nước chưa giải ngân nhưng Chính phủ đã nhận nợ) cần được lưu ý do đây là những khoản chịu lãi suất nên việc tồn đọng, chậm giải ngân sẽ dẫn đến sự lãng phí, kém hiệu quả trong việc sử dụng nguồn vốn vay. Vì vậy, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về số vốn vay đã nhận nợ.
Có ý kiến cho rằng, việc phân bổ vốn đầu tư phát triển không thực hiện phân bổ theo lĩnh vực, dẫn đến khó khăn trong việc kiểm tra việc thực hiện phân bổ cho các lĩnh vực giáo dục, khoa học... theo các Nghị quyết của Trung ương.
Thứ ba, chi thường xuyên tăng 1,4% so với dự toán, chủ yếu từ nguồn dự phòng NSTW, dự phòng NSĐP và tăng thu NSĐP. Mức tăng chi thường xuyên thấp hơn tốc độ tăng thu ngân sách là hợp lý và đúng quy định của Luật NSNN.
Nhiều nhiệm vụ chi thường xuyên đã được rà soát, sắp xếp, cắt giảm như chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi công tác nước ngoài, mua sắm xe công… Song qua giám sát, Ủy ban TCNS nhận thấy tại một số cơ quan, đơn vị vẫn còn tình trạng sử dụng các nguồn kinh phí được giao không đúng quy định, chi vượt chế độ, vượt định mức, vượt tiêu chuẩn quy định, tình trạng phô trương, hình thức, lãng phí ở một số cơ quan, đơn vị chưa được khắc phục, kỷ cương, kỷ luật tài chính chưa được chấp hành nghiêm…
Một số nhiệm vụ chi giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường vẫn không đạt dự toán ở một số địa phương. Một số chính sách đối với đồng bào dân tộc được bố trí vốn đầu tư phát triển còn thấp, chưa cân đối đủ nguồn lực thực hiện, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách hỗ trợ di dân, tái định cư cho tại một số địa phương như: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang,… Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương thực hiện đúng quy định trong công tác quản lý, tăng cường chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính trong chi NSNN, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ đã ban hành.
Thứ tư, vẫn còn tình trạng việc ban hành chính sách mới vẫn chưa xác định cụ thể về nguồn lực bảo đảm. Qua giám sát và làm việc tại địa phương, nhiều chính sách mới được ban hành để thực hiện giảm nghèo, chế độ tiền lương, phụ cấp đối với giáo viên, các chính sách giáo dục người khuyết tật, chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc rất ít người…nhưng chưa có nguồn thực hiện. Đặc biệt, đối với những địa phương nghèo, nhận tỷ lệ trợ cấp lớn, đề nghị những chính sách được trung ương ban hành thì trung ương cần bảo đảm bố trí 100% kinh phí thực hiện, không lấy nguồn từ địa phương để bảo đảm chính sách này vì không đúng quy định của Luật NSNN.
Thứ năm, công tác triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ còn chậm. Song, nguyên nhân chủ yếu là do còn thiếu các Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể đối với các lĩnh vực. Đến nay Chính phủ chỉ mới ban hành 2/8 Nghị định về cơ chế tự chủ hoạt động sự nghiệp công lập. Ủy ban TCNS cho rằng, việc thực hiện chậm cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ tạo ra khó khăn, bị động trong quá trình tạo nguồn cải cách tiền lương theo lộ trình. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ nêu trên và giải pháp tháo gỡ, khắc phục kịp thời.
Thứ sáu, hiện tại, ở các bộ, ngành, địa phương có rất nhiều quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trong đó nhiều quỹ có nhiệm vụ trùng lặp với nhiệm vụ chi của NSNN. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm có hướng dẫn địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp lại các quỹ tài chính theo hướng tinh gọn, giảm số lượng quỹ, giảm bộ máy quản lý và biên chế nhằm nâng cao tính tập trung, hiệu quả hoạt động các quỹ, phù hợp với quy định của Luật NSNN.