Ảnh hưởng của dịch bệnh, cổ phiếu ngành dược đặc biệt là vắc-xin trở thành tâm điểm. Cổ phiếu của CTCP Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang (BIO) liên tục tăng nóng trong thời gian gần đây.
Tính từ đầu tháng 5/2021 đến nay có tổng cộng 18 phiên giao dịch thì BIO có 2 phiên giảm sàn, một phiên tăng điểm gần đạt mức trần và 15 phiên tăng trần.
Giá cổ phiếu BIO đã tăng từ mức 17.400 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng, lên cao nhất 161.000 đồng/cổ phiếu tương ứng tăng hơn gấp 9 lần trước khi giảm sàn phiên vừa qua về mức 130.300 đồng/cổ phiếu. Mức giá này vẫn còn cao hơn gấp 7 lần so với thời điểm đầu tháng 5.
BIO thông báo nhận cổ tức năm 2020 bằng tiền tỷ lệ 3% (01 cổ phiếu nhận 300 đồng). Thời gian thanh toán 4/8/2021.
Cổ phiếu BIO liên tục tăng trong các phiên gần đây |
Ông Lê Đình Phan, Chủ tịch HĐQT công ty đã mua thêm hơn 2,73 triệu cổ phiếu, nâng lượng sở hữu sau giao dịch lên gần 3,34 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 39%). Giao dịch thực hiện ngày 5/5/2021. Ông Lê Đình Phan mới được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT công ty từ 12/4/2021.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Kim Chung, Ủy viên HĐQT, cũng mua thêm hơn 1,63 triệu cổ phiếu. Trước giao dịch bà Kim Chung đang là cổ đông lớn nắm giữ hơn 1,36 triệu cổ phiếu BIO (tỷ lệ 15,98%).
Năm 2020, Biopharco ghi nhận 36 tỷ đồng doanh thu thuần, tương đương so với thực hiện năm 2019, chủ yếu là doanh thu từ bán thành phẩm. Lãi sau thuế tăng nhẹ 4% lên gần 5,1 tỷ đồng.
Trên thế giới, cổ phiếu các doanh nghiệp ngành này cũng tăng trưởng mạnh. Đứng đầu danh sách các tỷ phú mới nổi từ vắc- xin Covid-19 là các giám đốc điều hành của Moderna và BioNTech, với khối tài sản trên 4 tỷ USD.
Danh sách cũng có tên của hai nhà đầu tư sáng lập ra Moderna và chủ tịch của công ty, cũng như giám đốc điều hành của một công ty sở hữu thoả thuận sản xuất và đóng gói vắc-xin Moderna, bất chấp thực tế phần lớn nguồn tài trợ cho vắc-xin Moderna là do người nộp thuế chi trả. Ít nhất đã có 9 tỷ phú mới nổi kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhờ vào lợi nhuận kếch xù của các hãng dược lớn sở hữu độc quyền vắc-xin.
Ông lớn ngành dược, CTCP Dược Hậu Giang (DHG) cũng đã thông báo tỷ lệ chi trả là 40% (1 cp nhận được 4,000 đồng). Với gần 131 triệu cp đang lưu hành, DHG cần chi khoảng 523 tỷ đồng để chi trả cho cổ đông
Năm 2020, DHG đem về 821 tỷ đồng lãi trước thuế, vượt 14% kế hoạch. Ông lớn ngành dược phẩm đặt kế hoạch giữ vững mức lợi nhuận này trong năm 2021. Về chính sách cổ tức, DHG muốn duy trì tỷ lệ 30% mỗi năm cho đến 2025.
Nam Dược (NDC) cũng có mức tăng ấn tượng từ giá 59.800 đ/CP hồi đầu năm lên 84.000 đ/CP tương ứng mức tăng giá hơn 40%, tiếp đó IMP, PMC và DCL cũng đạt mức tăng giá 2 con số.
Phiên giao dịch 28/5 khép lại với sắc xanh ngập tràn thị trường. Theo đó, VN-Index đóng cửa tăng 16,89 điểm (1,3%) lên 1.320,46 điểm; HNX-Index tăng 2,07% lên 310,75 điểm và UPCom-Index tăng 2,42% lên 86,11 điểm.
Về giao dịch khối ngoại, họ tiếp tục mua ròng gần 20 tỷ đồng trong phiên giao dịch hôm nay và cũng là phiên mua ròng thứ 3 liên tiếp. Lực mua tập trung vào PLX (148 tỷ đồng), MSN (57,2 tỷ đồng), SSI (54,5 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, áp lực bán mạnh vào HPG với giá trị 356,6 tỷ đồng, LPB (82,2 tỷ đồng)…
Nhận định về thị trường, CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, thị trường đang trong giai đoạn nước rút để tiến nhanh đến cột mốc mới tại 1.400 điểm. Bối cảnh vĩ mô trong và ngoài nước tương đối ổn định, cùng với việc các nhà đầu tư nước ngoài đang quay lại nhập cuộc chơi sẽ là những yếu tố khác ủng hộ cho kịch bản này.
Còn theo CTCK Asean (Asean Securities), dòng tiền vẫn đang đổ mạnh vào thị trường, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất chấp những thận trọng của chúng tôi trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần chú ý vùng kháng cự gần 1.325-1.330 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.335-1.340 điểm trong phiên tới.
Đây là vùng cản được chúng tôi đánh giá có thể sẽ khiến chỉ số gặp áp lực rung lắc, điều chỉnh khi lần đầu tiếp cận. Nếu vùng hỗ trợ xung quanh MA5 ngày của VN-Index bị vi phạm, một nhịp điều chỉnh giảm có thể sẽ xuất hiện.
Trong phiên sáng nay 31/5, VNIndex có lúc tăng mạnh gần 7 điểm. Sắc xanh hiện diện ở HPG, SSI, STB nhưng ngoại trừ HPG đang tăng khá tốt gần giá trần thì SSI, STB chỉ tăng nhẹ dưới 1,5%. Một số mã giảm là VRE, VIC, VJC, MSN, MWG, PDR, BVH, REE, SBT
Trên sàn HoSE có 312 mã giảm trong khi chỉ có 95 mã tăng; sàn HNX có 120 mã giảm trong khi chỉ 59 mã tăng.
Bảo An