Theo thông tin từ UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tập đoàn Tuần Châu đề xuất phương án đầu tư dự án Vũng Tàu Marina City tại vị trí ven biển dọc khu vực từ Bãi Trước đến Bãi Dâu, thành phố Vũng Tàu, diện tích dự kiến sử dụng khoảng 345 hecta, quy mô dân số dự kiến khoảng 7.500 người định cư và khoảng 12.000 lượt khách lưu trú/một ngày đêm.
Mục tiêu của dự án là xây dựng Khu đô thị cảng, du lịch đa chức năng, hiện đại, hài hòa cảnh quan thiên nhiên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân địa phương và du khách trong và ngoài nước; xây dựng một hệ thống cảng du thuyền hiện đại, kết nối với các cảng du thuyền trong nước và thế giới; tạo dựng mới quy hoạch và kiến trúc đô thị của thành phố Vũng Tàu.
Để xây dựng dự án Vũng Tàu Marina City thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, Tập đoàn Tuần Châu đề xuất xây dựng dự án thành các phân khu như: quảng trường; công viên cây xanh bố trí hai bên quảng trường và dọc đường Trần Phú và đường Quang Trung; bãi tắm công cộng; cảng tàu quốc tế; khu tổng hợp dịch vụ du lịch gồm khu thương mại cao cấp.
Bên cạnh đó, dự án còn có khách sạn siêu sang, trung tâm âm nhạc - điện ảnh - thời trang và là nơi tổ chức bắn pháo hoa, nhạc nước hàng đêm; khu vui chơi giải trí gồm biểu diễn thực cảnh, biểu diễn cá heo-hải cẩu-sư tử biển; khu khách sạn- Trung tâm hội nghị quốc tế; khu căn hộ cao cấp Condotel; khu biệt thự biển;…
Cho ý kiến về đề xuất của Tập đoàn Tuần Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Trình ủng hộ và đánh giá cao ý tưởng xây dựng phương án đầu tư dự án Vũng Tàu Marina City tại thành phố Vũng Tàu. Chủ tịch đề nghị Tập đoàn Tuần Châu tiếp thu ý kiến đóng góp của các Sở, ngành, tiến hành bổ sung, hoành chỉnh đồ án để báo cáo xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy. Ngoài ra, Chủ tịch cũng đề nghị các cơ quan chức năng rà soát các dự án đã cấp phép, đồng thời điều chỉnh quy hoạch khu vực dự kiến xây dựng dự án.
Được biết, năm 2017 Tập đoàn Tuần Châu cũng đã đã đề xuất với TPHCM xin đầu tư tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn có chiều dài khoảng 61 km, nối từ cầu Bến Súc (huyện Củ Chi) dọc theo sông Sài Gòn về quận 1, TP.HCM. Đổi lại, Tuần Châu đề xuất TPHCM đối ứng cho doanh nghiệp này quỹ đất khoảng 12.400ha, tương đương 5% tổng diện tích đất của Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong đề xuất dự án gửi đến các cơ quan chức năng liên quan, Tuần Châu cũng kiến nghị sử dụng 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư công để thực hiện dự án. Cụ thể, nguồn vốn này sẽ được sử dụng để thực hiện công tác GPMB, chi phí tư vấn, xây lắp và chi phí dự phòng dự án. Ước tính, tổng các chi phí này lên tới 57.568 tỷ đồng, riêng chi phí lãi vay của dự án ước tính 5.932 tỷ đồng.
Trước đề xuất này, Bộ KH&ĐT đề nghị Sở KH&ĐT tham mưu UBND thành phố xem xét tính khả thi của việc bố trí các quỹ đất nêu trên trong bối cảnh nguồn lực đất đai hiện nay hạn chế. Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cũng cho rằng đề xuất sử dụng ngân sách hỗ trợ thực hiện dự án BT xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn là không đúng quy định, mặt khác việc sử dụng ngân sách đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, dự án phải trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công.