Câu chuyện ảnh hưởng của tỷ giá VND với các đồng ngoại tệ, đặc biệt là đô la Mỹ đang là chủ đề rất nóng hiện nay, gây sức ép lớn tới Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Điều quan trọng lúc này là giải pháp nào để thích ứng linh hoạt và quản lý một cách tốt nhất vấn đề tỷ giá.
Có ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải “phá giá” đồng tiền để hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu (ảnh minh hoạ)
Có ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải “phá giá” đồng tiền để hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, câu chuyện đặt ra là liệu phá giá đồng tiền thì có tốt cho xuất khẩu hay không? Phân tích về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO công ty AFA Capital cho biết, về cơ chế điều hành tỷ giá với những quốc gia có thương mại và kiểm soát dòng vốn thoải mái, thì họ đã thả nổi hoàn toàn tỷ giá như Mỹ, Nhật Bản, hoặc trường hợp đồng nội tệ đã bị đô la hóa hoàn toàn. Cùng với đó là những liên minh tiền tệ như EU, hay một số đồng tiền neo cố định như Hongkong, Brunei. Ở một số nước Đông Nam Á hoặc Đông Á, điều hành theo cơ chế thả nổi có quản lý, còn riêng Việt Nam và Trung Quốc, việc thả nổi có quản lý nhưng trong một biên độ nhất định, khoảng cộng trừ 3%.
Khi hiểu về cơ chế điều hành tỷ giá của Việt Nam, từ đó chúng ta mới đưa ra nhận định có dùng từ phá giá hay không phá giá, đồng thời thấy được mức độ linh hoạt trong cơ chế điều hành tỷ giá sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế, vốn hóa của nền kinh tế cũng như mức độ tham gia vào thương mại thế giới.
Cũng theo ông Tuấn, để tính tỷ giá trung tâm, thời điểm năm 2016, NHNN dựa vào ba trụ cột đó là: Thị trường liên ngân hàng; Biến động của rổ 8 đồng tiền tại các quốc gia có quan hệ thương mại đầu tư lớn với Việt Nam bao gồm USD, EUR CNY JPY SGD KRW THB TWD; và Các cân đối kinh tế vĩ mô tiền tệ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.
“Trước năm 2016, Việt Nam giữ cơ chế tỷ giá cố định và không linh hoạt, dẫn đến khi sức ép ở thị trường liên ngân hàng chạm trần, thì toàn bộ thị trường không giao dịch nữa và đợi NHNN phá giá hoặc bán ra ngoại tệ. Nhưng thời điểm đó, dự trữ ngoại hối còn chưa linh hoạt nên cũng không có chuyện bán ngoại hối ra để thu tiền đồng về. Tác hại của điều này là tạo ra tâm lý cho người xuất khẩu giữ USD, còn tỷ giá ngoài thị trường tự do sẽ có hiện tượng găm giữ, chờ thời điểm NHNN phá giá đồng tiền.
Có thể nói, cơ chế này khá cứng nhắc, không theo diễn biến thị trường, chính vì vậy từ năm 2016 trở đi đã có sự thay đổi trong cơ chế điều hành. Khi tỷ giá trung tâm tăng thì giá trần, giá sàn tăng và điều tiết của NHNN sẽ thông qua việc mua vào bán ra một cách linh hoạt tùy theo diễn biến trên thị trường”, ông Tuấn lý giải.
Với cơ chế như vậy, chúng ta điều hành dự trữ ngoại hối như thế nào và có sức ép gì, vị chuyên gia tại AFA Capital phân tích, có ba đối tác trên thị trường bao gồm thị trường liên ngân hàng, thị trường tự do và NHNN sẽ tham gia vào các thị trường này.
“Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi đang thấy rằng, muốn điều hành thì chúng ta phải xem lại thị trường tự do và đường thông giữa ngân hàng thương mại với thị trường tự do. Tiếp đó là xem lại trạng thái ngoại hối của các ngân hàng, quy mô vốn của các ngân hàng ngày càng lớn. Do đó, chúng ta không nên tranh luận có nên phá giá hay không phá giá, mà điểm mấu chốt là phải kiểm soát được thị trường ngoại hối thông qua hai thị trường nêu trên.
Ông Nguyễn Minh Tuấn
Đặc biệt, ngân hàng được mua ngoại tệ từ NHNN phải phục vụ nhu cầu thanh toán thực chứ không phải để đầu cơ. Theo tôi, tỷ giá rất ảnh hưởng đến các vấn đề như lạm phát, nợ công và cán cân tổng thể xuất nhập khẩu. Vì vậy, các biểu hiện trên thị trường hiện nay chưa đến mức phải dùng từ phá giá”.
Về mối tương quan giữa tỷ giá và lạm phát, từ năm 2016, mỗi đợt tỷ giá tăng đều ảnh hưởng đến lạm phát ngay tại thời điểm đó. Nhưng đến nay, Chính phủ đang kiểm soát lạm phát tốt với các chính sách như giảm thuế, điều hành giá xăng dầu,... Các chuyên gia đều đánh giá, nếu không kiểm soát lạm phát tốt thì khi tỷ giá tăng, lạm phát của năm 2023 sẽ là một vấn đề lớn và ảnh hưởng nặng nề đến túi tiền của tất cả mọi người.
Ở góc độ rộng hơn, ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết thêm, tỷ giá còn tác động đến tổng nợ công của Việt Nam bao gồm đồng nội tệ và ngoại tệ, với công thức tính rất rõ ràng gồm phần thâm hụt ngân sách, lãi suất tăng, tỷ giá tăng nhân với phần nợ nước ngoài. Nếu tỷ giá tăng thì VND mất giá đi và chúng ta sẽ phải mua ngoại tệ để trả nợ cộng với lãi suất sẽ khiến cho sức ép về nợ công lớn hơn.
Theo báo cáo giai đoạn năm 2017-2021, nợ công so với GDP đang ở mức cho phép khoảng 60% nhưng đến năm 2021 con số này đã giảm xuống còn 43,1% là một tín hiệu đáng mừng. Cùng với đó là thị trường trái phiếu chính phủ đã rất phát triển trong thời gian gần đây, khiến nợ vay chính phủ đang chuyển dần về đồng nội tệ. Do vậy, khi chúng ta kiểm soát tốt lạm phát và lãi suất, sẽ kiểm soát được nợ công và giảm dần sự phụ thuộc vào tỷ giá đô - đồng.
“Một điều đáng chú ý nữa là, khi tỷ giá tăng sẽ ảnh hưởng đến cán cân tổng thể. Ngay thời điểm hiện tại có một tin không tốt đó là cán cân tổng thể đang âm trong 6 tháng đầu năm 2022. Đối với cán cân tài chính, tỷ lệ FDI hiện đang giảm, vì khi lãi suất tăng, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam phải có mức lãi suất tăng cao tương ứng thì họ mới rót vốn. Tiếp theo đó là những luồng vốn đầu tư gián tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán cũng đang giảm đi.
Đối với cán cân vãng lai, sẽ gồm bốn cấu phần trong đó nổi bật là cán cân thương mại với số suất nhập khẩu đang âm trong 6 tháng đầu năm, đồng nghĩa với việc tiền ngoại tệ thu về thấp hơn so với ngoại tệ chi ra, điều đó sẽ tác động ngược lại đến tỷ giá”, ông Tuấn thông tin thêm.