Người ta thường nghĩ rằng những công ty sản xuất dầu đá phiến mới tại Mỹ có thể coi như tác nhân mới trên các thị trường dầu quốc tế. Thế nhưng cuối cùng, vai trò đó đang được thay thế bởi chính Tổng thống Mỹ, tờ The Economist bình luận.
Ở thời điểm giá dầu đang biến động quanh mức cao nhất trong 3 năm rưỡi, thị trường chịu tác động bởi ba yếu tố bắt nguồn từ Tổng thống Donald Trump: lộ trình chính sách địa chính trị của ông, đặc biệt lệnh trừng phạt chống lại Iran; định hướng chính sách chính trị nội địa của ông để giảm giá xăng dầu tại Mỹ trước khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ bắt đầu; và rủi ro chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày một lớn dần.
Nếu mọi chuyện không được như ông mong muốn, ông vẫn còn một vũ khí khác mà ông đang giấu trong tay áo: Dự trữ dầu chiến lược của Mỹ (SPR).
Thứ nhất, yếu tố địa chính trị. Dù trong cuối tháng trước, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dẫn đầu bởi Saudi Arabia và Nga từng thống nhất sẽ tăng sản lượng thêm khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày; giá dầu Brent vẫn tăng lên mức 77USD/thùng.
Nguyên nhân trực tiếp có thể kể đến chính là việc nguồn cung từ Libya và Venezuela bị gián đoạn. Thế nhưng yếu tố quan trọng khác khiến cho giá dầu tăng cao chính là việc chính quyền của Tổng thống Trump gây sức ép buộc các nước đồng minh của Mỹ dừng hẳn nhập khẩu dầu từ Iran trước tháng 11/2018, nếu không các nước đó sẽ phải chịu trừng phạt từ Mỹ. Mọi chuyện như vậy tồi tệ hơn người ta dự báo.
Ông Brian Hook, một quan chức tại Bộ Ngoại giao Mỹ trong ngày 2/7/2018 công bố rằng khoảng hơn 50 công ty nước ngoài, trong đó bao gồm cả các công ty năng lượng, đã đồng ý rút khỏi Iran. Dù Mỹ có thể cho phép một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và vài nước khác giảm nhập khẩu dầu từ Iran chứ không ngừng hẳn, chắc chắn Mỹ sẽ không nhượng bộ thêm nữa.
Theo công ty tư vấn Clearview Energy Partners, nếu thực sự các nước giảm nhập khẩu dầu từ Iran, nguồn cung dầu toàn cầu sẽ hụt đi từ 800 nghìn thùng cho đến 1,5 triệu thùng, tình trạng thị trường bị thắt chặt sẽ bắt đầu từ tháng 9/2018, 60 ngày trước khi lệnh trừng phạt được bắt đầu.
Tham vọng của Tổng thống Trump trong vấn đề Iran lại đang đi ngược lại các mục tiêu chính trị nội địa của ông. Giá dầu thô thế giới cao đồng nghĩa giá xăng nội địa Mỹ cao, ở thời điểm người Mỹ đang đổ ra đường nghỉ lễ. Giá năng lượng cao tác động nhiều nhất đến những lái xe thu nhập thấp, những người có khả năng tác động đến lá phiếu dành cho Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Dù rõ ràng có một số bang Cộng hòa hưởng lợi từ giá dầu cao, thế nhưng vị Tổng thống Mỹ không tránh khỏi lo lắng. Trong một bài phỏng vấn với Fox TV được phát sóng ngày 1/7/2018, ông yêu cầu OPEC ngừng thao túng thị trường, đe dọa một số thành viên OPEC rằng họ sẽ mất sự bảo hộ của nước Mỹ nếu họ không nghe theo Mỹ.
Tổng thống Trump cũng nói đến việc Saudi Arabia cần phải tăng sản lượng hàng ngày thêm đến 2 triệu thùng dầu – đây là một nỗ lực bất thường của Tổng thống Mỹ khi can thiệp vào chính sách của OPEC. Nhà Trắng sau đó đã bác bỏ thông tin rằng phía Saudi Arabia đã đồng thuận với Mỹ, nhưng vẫn nói thêm rằng Saudi Arabia hoàn toàn có đủ khả năng tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng dầu/ngày.
Việc Saudi Arabia có làm được như Tổng thống Trump muốn hay không lại là câu chuyện khác. Công ty tư vấn Energy Aspects chỉ ra sản lượng cao nhất mà Saudi Arabia có thể đạt được là 11 triệu thùng dầu/ngày, hiện tại đang là 10,3 triệu thùng dầu/ngày.
Thế nhưng duy trì sản xuất ở mức đó trong vài tháng sẽ tác động xấu đến hoạt động dự trữ. Việc bơm ra thị trường 12 triệu thùng dầu/ngày sẽ khiến cho dự trữ dầu trên thị trường thế giới rớt xuống mức cực thấp, thế giới sẽ dễ chịu tổn thương với các cú sốc về nguồn cung.
Mọi chuyện đang trở nên rắc rối hơn khi mà rủi ro chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày một lớn dần. Trung Quốc đã đe dọa sẽ đánh thuế với dầu Mỹ nhập khẩu nếu các biện pháp trả đũa liên tiếp được các bên đưa ra. Và Trung Quốc có thể chấp nhận thiệt hại tài chính để đối đầu với Mỹ về vấn đề Iran, căng thẳng giữa hai bên sẽ ngày một lớn dần.
Tổng thống Trump sẽ có thể thể hiện sức ảnh hưởng của ông rõ ràng hơn. Nếu giá dầu vẫn tiếp tục tăng, Tổng thống Trump sẽ có thể tung ra thị trường khoảng 30 triệu thùng dầu từ dự trữ chiến lược của Mỹ. Điều đó sẽ chẳng khác gì việc ông phát động cuộc chiến tranh dầu mỏ chống lại OPEC và Nga, ngoài cuộc chiến tranh thương mại trước đó, khả năng này không thể bị loại bỏ.