Thống kê của VnEconomy trên 29 ngân hàng thương mại cổ phần cho thấy, hiện đã có 22 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 3/2019. Trong đó, nhiều nhà băng có dư nợ cho vay tăng trưởng ở mức cao trong vòng 9 tháng đầu năm.
Cụ thể, so với mặt bằng 14%, hiện đã có 6 ngân hàng có tăng trưởng dư nợ cho vay vượt qua mức này. Và hầu hết những ngân hàng này đều có mức vượt cao hơn hẳn so với mặt bằng chung, trong đó có tới 4 nhà băng có dư nợ cho vay trong 9 tháng đã tăng trên 20%.
Mức tăng trưởng cao nhất lên tới trên 28% diễn ra ở 2 nhà băng là Techcombank và VIB, lần lượt là 28,4% và 28,2%. Cùng với đó, tăng trưởng dư nợ cho vay ở OCB và TPBank cũng lần lượt nằm ở mức 20,7% và 20,4%.
Ở chiều hướng khác, trong khi nhiều ngân hàng đua tín dụng, ABBank vẫn là nhà băng duy nhất có mức tăng trưởng dư nợ cho vay âm trong 9 tháng (-0,1%).
Các nhà băng còn lại vẫn duy trì dưới ngưỡng 14%, bao gồm cả hai ông lớn Vietcombank (12,1%) và BIDV (8,6%). Do đó, tính trung bình trên 22 ngân hàng này, mức tăng trưởng cho vay vẫn nằm ở ngưỡng 12,4% trong 9 tháng đầu năm.
Dù định hướng chung cho toàn ngành là tín dụng tăng khoảng 14%, tuy nhiên nhà điều hành cũng cho biết sẽ có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Nhiều nhà băng đạt Basel II trước thời hạn được chấp thuận nới thêm "room" tín dụng dù con số nới này không được công khai.
Trước đó, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 24/9/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,64% so với cuối năm 2018.
Ngoài ra, theo kết quả cuộc điều tra "Xu hướng kinh doanh" mới nhất do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Dự báo, thống kê) tiến hành vào tháng 9/2019 thì dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,85% trong quý 4/2019 và tăng 13,61% trong năm 2019, đã điều chỉnh giảm 0,72% so với mức bình quân kỳ vọng 14,33% ghi nhận tại kỳ điều tra trước (thấp hơn mức tăng thực tế 13,88% của năm 2018).
Cuộc điều tra này cũng cho biết, các tổ chức tín dụng liên tục điều chỉnh giảm kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm 2019 qua các kỳ điều tra từ 15,27% xuống còn 13,61% (tháng 9/2019), gần sát với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2019.