Trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải mới đây, cử tri Đà Nẵng bày tỏ lo lắng khi sắp tới đưa vào vận hành tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Theo cử tri nếu không kiểm tra, giám sát và vận hành thật chặt chẽ, kỹ lưỡng và chính xác thì khi có sự cố từ trên cao xuống khả năng gây ra hậu quả, thiệt hại là rất lớn.
Do đó, cử tri đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, cân nhắc hết sức thận trọng khi đưa vào vận hành để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Về vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, với vai trò chủ đầu tư dự án, Bộ nhận thức rõ trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Trong thời gian triển khai dự án, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã có nhiều đoàn thường xuyên, định kỳ kiểm tra dự án trong các lĩnh vực như: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra về công tác an toàn lao động, vệ sinh môi trường; Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra về tác động môi trường; Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu và chất lượng thi công, Kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư của dự án...
Để đảm bảo tuyệt đối an toàn trước khi bàn giao dự án đưa vào vận hành khai thác thương mại, Bộ Giao thông Vận tải đã thuê Tư vấn của Pháp đánh giá an toàn hệ thống để tiến hành đánh giá an toàn từ khâu thiết kế, thi công, lắp đặt thiết bị và vận hành toàn bộ hệ thống.
"Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tham gia thực hiệndDự án và các cơ quan chuyên môn của Bộ Giao thông, nâng cao hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát về mặt an toàn, tiến độ, chất lượng công trình nhằm đảm bảo chất lượng, tuyệt đối an toàn, sớm đưa dự án vào vận hành khai thác", Bộ Giao thông khẳng định.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là công trình cấp đặc biệt, có tính chất đặc thù, kỹ thuật cao, công nghệ hoàn toàn mới và là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên hoàn thành đưa vào vận hành, khai khác tại Việt Nam.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2009, với tổng mức đầu tư hơn 550 triệu USD (gần 8.800 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.
Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC, Tổng thầu EPC do Bên tài trợ vốn chỉ định là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện. Tư vấn giám sát được tổ chức đấu thầu, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.
Dự án khởi công tháng 10/2011 với mục tiêu hoàn thành vào tháng 6/2014, một năm sau chính thức khai thác. Tuy nhiên, sau đó dự án lùi tiến độ vận hành đến tháng 6/2016, rồi tiếp tục lùi đến cuối năm 2016, cuối quý 2/2017.
Sau khi được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 868 triệu USD (18.000 tỷ đồng), dự án lùi đến tháng 10/1017, rồi đến tháng 2/2018, cuối năm 2018.
Tháng 9/2018, dự án chạy thử nghiệm và lại lùi thời gian vận hành đến tháng 4/2019. Dịp 30/4, dự án tiếp tục lỡ hẹn, lùi đến quý 2/2019.
Tuy nhiên, quý 2/2019 cũng sắp trôi qua, còn đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa biết khi nào hoạt động.