Nhiều chuyên gia cho rằng việc kéo dài thời gian giãn thuế với doanh nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên không nên cào bằng mà phải sàng lọc kỹ để giãn thuế đúng đối tượng.
Đồng loạt muốn “nới” giãn thuế
Khảo sát nhanh đầu tháng 4/2020 của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, với sự tham gia của gần 500 doanh nghiệp, cho thấy, 50,3% doanh nghiệp ước tính doanh thu giảm ít nhất 40%, trong đó 7,5% doanh nghiệp ước tính doanh thu giảm trên 80% so với năm 2019. 53% doanh nghiệp ước tính giảm ít nhất 20% lực lượng lao động, trong đó 16% ước tính giảm trên 50%.
Vì thế, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam kiến nghị giảm thuế suất Thu nhập doanh nghiệp xuống 10% cho tất cả các doanh nghiệp cho kỳ tính thuế 2019, 2020; thống nhất thuế suất VAT 5% cho tất cả các mặt hàng từ ngày 1/6/2020; thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tất cả các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu là -10% (tức là xuất khẩu được 100 đồng thì ngân sách cho thoái thêm 10 đồng); cá nhân có thu nhập chịu thuế mà đem đầu tư cho startup thì miễn thuế Thu nhập cá nhân cho khoản đầu tư đó; giãn các sắc thuế theo Nghị định 41 đến hết tháng 6/2021.
20200515_095321.jpg |
Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia cũng có chung kiến nghị kéo dài thời gian giãn thuế.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông, cho rằng: Việc kéo dài thời gian giãn thuế cho doanh nghiệp là cần thiết, tuy nhiên nên phân loại rõ ràng theo ngành, nhóm doanh nghiệp, không nên cào bằng. Bởi thực tế sau dịch bệnh, có ngành phục hồi trước, có ngành phục hồi sau. Chẳng hạn, các đơn vị kinh doanh khách sạn, du lịch là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề và mức độ phục hồi chậm thì cần có chính sách hỗ trợ đầu tiên, nhóm thứ hai có thể là nhóm bất động sản.
“Vấn đề là cơ quan quản lý phải khảo sát xem mức độ tác động của dịch bệnh nghiêm trọng như thế nào với từng ngành nghề. Với ngành chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, thời gian giãn thuế nên kéo dài hơn quy định hiện nay”, ông Nguyễn Quang Đồng kiến nghị.
Theo ông Đồng, đây cũng là kinh nghiệm để cơ quan quản lý phải chú trọng hệ thống dữ liệu hơn, làm bằng chứng về mặt chính sách sau này. Việt Nam đã và đang xây dựng chính phủ điện tử, phải liên thông dữ liệu của cơ quan thuế, bảo hiểm, đăng ký doanh nghiệp, thống kê,... như vậy, việc hoạch định chính sách mới chính xác được.
Doanh nghiệp cần thêm những chính sách "trợ lực". |
Bỏ vốn đầu tư lớn cần được hỗ trợ dài hơn
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Hội Kế toán Hành nghề Việt Nam (VICA), cho rằng: Việc “đánh đồng” thời gian giãn thuế giữa các ngành nghề như vừa qua là không phù hợp. Mỗi ngành nghề có chu kì hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhau. Mỗi DN có chu kỳ riêng, đánh đồng hết việc giãn thuế 5 tháng là không đúng. Kinh doanh ăn uống tháng gieo chiều gặt, chu kì ngắn thì có thể giãn thuế 5 tháng. Nhưng kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng lại theo mùa vụ. Nếu quy định tất cả ngành nghề trong diện hỗ trợ đều giãn thuế 5 tháng là không phù hợp với các loại hình doanh nghiệp.
“Từ trước đến nay, chính sách của chúng ta luôn bị tình trạng đấy. Đáng lẽ phải phân loại theo ngành nghề, chu kỳ, mùa vụ, mức độ ảnh hưởng của từng lĩnh vực để có thời gian gia hạn thuế, khi đó mới chính xác và đúng đối tượng được. Cơ quan nhà nước nên tham khảo qua các hiệp hội. Họ nắm được hết đặc điểm kinh doanh của ngành nghề. Hội viên người ta sẽ có ý kiến.”, ông Quang chia sẻ.
Cùng quan điểm này, TS Phạm Hùng Tiến, Viện Friedrich Naumann Foundation, góp ý: Việc giãn thuế bao lâu nên dựa vào chu trình sản phẩm, dịch vụ, vòng đời sản phẩm. Ngành nào đầu tư dài hạn, thì phải nới thêm thời gian giãn thuế cho họ. Có doanh nghiệp phải bỏ ra lượng vốn đầu tư ban đầu rất lớn, mức thuế phải đóng là rất cao. Họ đầu tư như vậy thì phải có tầm nhìn vài năm, hỗ trợ họ bằng cách kéo dài thời gian giãn thuế cũng là hợp lý.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ) chia sẻ: "Bản thân tôi khi làm việc với doanh nghiệp họ cũng mong có hỗ trợ lớn hơn, đơn cử như phí công đoàn. Còn về thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, tôi rất ủng hộ việc giãn nộp thuế cho các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp, lên đến 12 tháng hoặc hết quý I năm sau".
Tương tự ý kiến nhiều chuyên gia khác, bà Thảo cho rằng phải phân loại đối tượng chịu tác động để có chính sách giãn thuế phù hợp, không nên cào bằng như hiện nay.
Lương Bằng