Theo tờ The Telegraph của Anh, các nhà lãnh đạo châu Âu đang ngày càng lo lắng rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ rơi vào trường hợp "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa" khi giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga, nhưng lại trở nên phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung khoáng sản then chốt do Trung Quốc kiểm soát.
Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - cho biết, Brussels đang cố gắng đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu thô quan trọng trong dài hạn. Điều này là cực kỳ cần thiết để theo đuổi các cam kết xanh và mở rộng nhanh chóng của các nguồn năng lượng tái tạo, ký kết thỏa thuận với các quốc gia thân thiện khi nhu cầu toàn cầu tăng cao đối với các nguồn tài nguyên công nghệ xanh, vượt xa nguồn cung hiện có từ các khu mỏ truyền thống.
"Các nền kinh tế trong tương lai sẽ không còn phụ thuộc vào than và dầu mỏ nữa, mà sẽ phụ thuộc vào lithium để sản xuất pin; kim loại silicon dùng cho chip điện tử; đất hiếm để sản xuất nam châm vĩnh cửu lắp trên xe điện và tuabin gió", bà von der Leyen phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos.
"Quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ làm tăng đáng kể nhu cầu của chúng ta đối với những vật liệu này. Tuy nhiên, không phải nước nào cũng có quyền tiếp cận với các nguồn cung nguyên liệu này. Chúng ta đang phụ thuộc vào một số ít các nhà cung cấp cho đa số nguyên liệu. Vì vậy, chúng ta cần phải tránh rơi vào cái bẫy tương tự như với dầu mỏ và khí đốt", bà von der Leyen nói thêm.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định, mọi việc có thể đã quá muộn để thế giới tránh khỏi tình trạng khan hiếm nguồn cung kéo dài trong những năm 2020. Trung Quốc hiện kiểm soát 1/2 công suất tinh chế lithium của thế giới và sản xuất 3/4 tổng số pin lithium-ion.
"Hôm nay là về dầu, ngày mai sẽ là về nguồn cung lithium", Fatih Birol - Giám đốc IEA - cho biết.
Theo tờ The Telegraph, Trung Quốc đã xây dựng một chiến lược đối với các kim loại đất hiếm được sử dụng trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, không chỉ cho năng lượng xanh và trí tuệ nhân tạo, mà còn cho laser quân sự, tên lửa và vệ tinh. Bắc Kinh đang nhanh chóng giành được vị thế thống trị đối với nguồn cung cấp coban và than chì trên toàn cầu. Hơn 98% nam châm vĩnh cửu chứa neodymium có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Hơn 98% nam châm vĩnh cửu chứa neodymium có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Ông Jens Stoltenberg - Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - đã đưa ra những cảnh báo quan trọng tại Davos về nguy cơ lớn khi ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung của Trung Quốc. Ông Stoltenberg cho rằng, cuộc xung đột tại Ukraina đã phơi bày những cạm bẫy của thương mại tự do và phương Tây không có gì làm đối trọng trong cán cân đàm phán với Bắc Kinh, như dự án đường ống Nord Stream 2 giữa EU và Nga.
Để thay thế toàn bộ lượng khí đốt nhập khẩu của Nga, EU đã đặt ra những mục tiêu siêu tham vọng về năng lượng xanh khi đề xuất kế hoạch năng lượng trị giá 200 tỉ Euro, nâng mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm 45% tổng nguồn cung năng lượng vào năm 2030. Các thủ tục hành chính sẽ được gấp rút thông qua trong thời gian 1 năm thay vì trung bình từ 7 - 8 năm.
Ông Frans Timmerman - Giám đốc thỏa thuận xanh của EU - cho biết, khu vực Địa Trung Hải cuối cùng sẽ trở thành trung tâm của hệ thống năng lượng sạch của thế giới, cung cấp hydro xanh từ năng lượng mặt trời và năng lượng gió cực rẻ ở Bắc Phi.
EU muốn nâng mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm 45% tổng nguồn cung năng lượng vào năm 2030.
Trong 8 năm tới, châu Âu đặt mục tiêu tăng gấp đôi công suất năng lượng mặt trời lên 600 gigawatt (GW) - phần lớn trên các mái nhà - và tăng gấp đôi năng lượng gió lên 480GW, cũng như đưa 30 triệu ô tô điện ra đường. Điều này đòi hỏi một lượng khổng lồ các loại khoáng sản then chốt và một chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp.
Hơn nữa, EU còn phải thực hiện kế hoạch này trong cuộc chạy đua với Trung Quốc, quốc gia đang điện khí hóa nền kinh tế của mình với tốc độ thậm chí còn nhanh hơn.
Zhigang Zhang - lãnh đạo hệ thống điện lưới nhà nước của Trung Quốc - cho biết tại Davos rằng, Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển năng lượng tái tạo. Đây là lực đẩy trung tâm - cùng với năng lượng hạt nhân - trong kế hoạch của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm phá vỡ sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu theo đường biển, cũng như phát triển các nguồn năng lượng nội địa an toàn hơn.
Ông Daniel Yergin - chuyên gia năng lượng tại IHS Markit - cho biết, mấu chốt của vấn đề là nơi nào thế giới có thể cung cấp đủ trữ lượng kim loại đồng để thực hiện điện khí hóa nhiều như vậy. “Xe điện cần lượng đồng gấp 2,5 - 3 lần so với xe động cơ đốt trong. Chúng ta làm thế nào để có đủ số đồng đó?" ông Yergin nói.
Theo tờ The Telegraph,trong một giới hạn nào đó, cuối cùng, cầu sẽ tự tạo ra cung. Tuy nhiên, châu Âu đã xuất phát rất chậm trong cuộc đua tranh toàn cầu về các nguyên liệu quan trọng. Liên minh này sẽ ở thế khó khi nguồn cung bị thắt chặt. EU đang triển khai các kế hoạch lớn và kích hoạt tất cả các loại liên minh, nhưng vẫn có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện các thỏa thuận xanh của mình.