Nhiều sai phạm
Theo kết quả thanh tra toàn diện của Thanh tra TPHCM vừa công bố, từ năm 2016 đến tháng 3/2020, hàng loạt dự án bất động sản tại huyện Bình Chánh mắc sai phạm lớn. Điển hình là dự án Khu dân cư Amazing City tại xã Tân Nhựt do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Huỳnh Thông làm chủ đầu tư. Chưa có quyết định giao đất, chưa thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, chưa hoàn thiện hạ tầng, nhưng chủ đầu tư đã ký hợp đồng bán nền đất ở.
Cụ thể, tại thời điểm thanh tra, chủ đầu tư và các hộ dân đã xây dựng trên phần diện tích đất nông nghiệp 187 căn nhà phố liền kề vườn với quy mô 3 tầng; 225 căn hộ chung cư (trên phần diện tích của 35 nền đất nông nghiệp)... không đúng quy định. Sai phạm tới mức, Thanh tra TPHCM đánh giá là “vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, thu lợi bất chính, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản...”.
Dự án Khu dân cư An Hạ (tại xã Phạm Văn Hai) do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nhựt Thành làm chủ đầu tư cũng mắc rất nhiều sai phạm, như không đủ điều kiện khởi công, chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính và chưa cấp sổ đỏ cho các hộ dân trong dự án.
Tại xã Bình Hưng, dự án Khu dân cư Phi Long 5 và dự án Khu dân cư Hải Yến cùng do Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phi Long làm chủ đầu tư đã tổ chức thi công xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch được duyệt.
Còn khu nhà hàng Hương Dừa cũ rộng hơn 15.000m2 xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, lấn rạch để cho thuê và bán cho các hộ dân. Sau đó, nhà đất ở đây được mua bán giấy tay, chuyển nhượng qua nhiều người, hình thành khu dân cư sinh sống, kinh doanh mua bán. Việc này ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và an ninh trật tự trong khu vực. Khu ẩm thực Bình Xuyên rộng gần 25.000 m2 vốn là đất nông nghiệp, đất trồng cây, kênh rạch, nay đã mọc lên hàng loạt công trình, hạng mục quy mô lớn, gồm bãi giữ ô tô diện tích trên 2.200 m2, bãi giữ xe máy trên 2.300 m2, khu vực phòng VIP rộng 460 m2, khu dành cho thực khách 3.688 m2, khu bếp hơn 1.300 m2, cùng hơn 1.300 m2 khu nhà kho, khu vui chơi trẻ em và khu vệ sinh.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại huyện Củ Chi khi kết quả thanh tra toàn diện công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Củ Chi (từ năm 2016 đến ngày 30/11/2019) mà Thanh tra TPHCM công bố đã cho thấy nhiều sai phạm.
Cụ thể, khi lập kế hoạch sử dụng đất các năm 2016, 2017 và 2018, UBND huyện đã tự ý điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở từ xã này sang xã khác, nhưng chưa thông qua HĐND huyện trước khi trình UBND TPHCM phê duyệt.
Cơ quan chức năng huyện Củ Chi còn giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất khi giải quyết chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt đối với 151 trường hợp. 70 trường hợp cho chuyển mục đích sử dụng đất trong Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi cũng mắc sai phạm.
Ngoài ra, UBND huyện Củ Chi còn cho phép tách thửa đất ở không phù hợp quy hoạch được duyệt, không đúng quy định đối với 23/51 trường hợp không đủ điều kiện, với diện tích 22,8ha/46,6ha; cho phép tách thửa đất ở không thực hiện đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam đối với 18 trường hợp…
Buông lỏng quản lý
Sau khi Thanh tra TPHCM có kết luận chỉ rõ hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai tại nhiều huyện vùng ven thì UBND huyện Bình Chánh đã có Văn bản số 533 báo cáo về khó khăn trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực trật tự xây dựng.
Tại báo cáo này, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Tài nói rằng, có sự buông lỏng quản lý ngay từ cấp cơ sở, rất nhiều trường hợp vi phạm lớn từ năm 2016 về trước không được phát hiện tại thời điểm phát sinh vụ việc. Nguyên nhân là UBND các xã đã không kịp thời kiểm tra, phát hiện, lập biên bản ngay tại thời điểm vi phạm, không lập hồ sơ xử lý, không báo cáo, dẫn đến không có hồ sơ bàn giao để tiếp tục xử lý…
Phần lớn các vụ xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, nhưng việc lập hồ sơ chỉ đề cập lĩnh vực xây dựng, không xử lý hành vi sử dụng đất không đúng mục đích, nên cơ quan chức năng sau này không xác định được vị trí để xử lý triệt để.
Dự án Khu dân cư An Hạ do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nhựt Thành làm chủ đầu tư cũng mắc rất nhiều sai phạm.
Theo Thanh tra TPHCM, chính việc các cơ quan quản lý địa phương không chủ động xử lý ngay từ đầu, để người dân tự chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, nên mới gây ra hậu quả lớn và khó xử lý về sau.
Thanh tra TP.HCM chỉ rõ, trách nhiệm thuộc Chủ tịch, Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực của UBND huyện; UBND các xã Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Nhựt; Đội Thanh tra địa bàn huyện Bình Chánh và các tổ chức cá nhân có liên quan trong thời kỳ phát sinh vụ việc trong việc thiếu kiểm tra, giám sát, chỉ đạo và chỉ đạo thiếu cương quyết để xảy ra các sai phạm trật tự xây dựng, sử dụng đất đai, chuyển nhượng đất, nhà ở, căn hộ, cho thuê căn hộ nhà trọ, để công trình sai phạm còn tồn tại kéo dài tại các khu đất.
Với huyện Củ Chi, Thanh tra TPHCM kết luận, để xảy ra các thiếu sót, vi phạm về quản lý đất đai, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành thuộc về Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, Phó chủ tịch UBND huyện phụ trách địa chính xây dựng. Trách nhiệm trực tiếp thuộc về lãnh đạo các đơn vị liên quan.
Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng nói rằng, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi dính nhiều sai phạm đất đai, xây dựng là do tốc độ đô thị hóa cao. Đồng thời, 3 huyện vùng ven này đều nằm trong “tầm ngắm” lên quận: “Thực chất, tất cả là do ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức địa phương”, ông Hoàng nói.