Tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp?
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, Bộ Tư pháp vừa có Báo cáo thẩm định số 86/BC-BTP về đề nghị xây dựng Nghị định quản lý hoạt động vận tải nội bộ bằng ô tô của Bộ GTVT.
Theo quan điểm của Bộ Tư pháp tại Báo cáo thẩm định hồ sơ dự thảo nghị định thì việc ban hành nghị định vào thời điểm này cần cân nhắc thêm vì một số lý do như: Việc bổ sung quy định quản lý đối với phương tiện vận tải nội bộ làm phát sinh chi phí thực hiện (cấp phù hiệu, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, lưu giữ và truyền dẫn thông tin từ thiết bị giám sát hành trình), làm phát sinh thủ tục hành chính đối với đơn vị vận tải, có khả năng tạo thêm gánh nặng về chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp (DN) do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN nói chung, cắt giảm và đơn giản hóa quy định có liên quan đến kinh doanh tại Nghị quyết số 68/NQ-CP như: Miễn, giảm, kéo dài thời gian nộp thuế; tạm ngưng việc xử phạt vi phạm hành chính đối với việc thực hiện lắp camera đối với các phương tiện ô tô kinh doanh vận tải. Do đó, Bộ GTVT việc đề xuất nội dung nêu trên đối với hoạt động vận tải nội bộ là chưa phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.
Về tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi (GTĐB), trong đó dự kiến bổ sung một số nội dung liên quan đến hoạt động vận tải nội bộ. Vì vậy, Bộ GTVT lập đề nghị đề xuất xây dựng/ban hành Nghị định này là chưa hợp lý, có ảnh hưởng đến tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật.
Qua đó, Bộ Tư pháp đề nghị cân nhắc về tính khả thi, hợp lý, chi phí thực hiện trong việc đề xuất giải pháp lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, bởi biện pháp này tương tự điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Trong khi đó, vận tải nội bộ là hoạt động vận tải không kinh doanh, không bị kiểm soát về hành trình xe. Tuy nhiên, dự thảo chưa đưa ra đánh giá về khả năng thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của các đơn vị vận tải. Quy định này là chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Không cần thiết lắp thiết bị giám sát hành trình và giấy phép hoạt động
Trả lời Báo Điện tử Chính phủ sáng 22/8, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, Luật GTĐB quy định hoạt động vận tải đường bộ gồm hoạt "động vận tải không kinh doanh" và "hoạt động kinh doanh vận tải". Do đó, cần làm rõ khái niệm "thế nào là vận tải nội bộ bằng ô tô". Bởi có lúc đơn vị đó vận tải nội bộ, có lúc vận tải kinh doanh thì sao? Khi vận tải hàng nội bộ thì không phải xin giấy phép kinh doanh, phù hiệu luồng tuyến, không phải chịu thuế. Còn nếu vận tải không phải nội bộ thì cũng phải đáp ứng các yêu cầu trên, nhằm bảo đảm công bằng cho các doanh nghiệp.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền. Ảnh: VGP/Lê Sơn.
Theo ông Quyền, trong thực tế hoạt động vận tải nội bộ, nhất là vận chuyển hàng hoá rất đa dạng. Có đơn vị vận chuyển trong dây chuyền sản xuất hoặc vận chuyển sản phẩm về kho hàng, trung tâm logistic; nông dân vận chuyển thiết bị, vật tư, phân bón ra nương rẫy (đồng ruộng) và về nhà… việc quy định vận tải nội bộ cũng phải cấp phép như dự thảo Nghị định là rất khó thuyết phục.
Theo quan điểm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dự thảo của Bộ GTVT yêu cầu lắp thiết bị giám sát hành trình đối với xe ô tô vận tải nội bộ cần được xem xét kỹ về tính thống nhất, tính hợp lý và khả thi của pháp luật bởi Luật GTĐB chỉ quy định phương tiện vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình đối với các chủ thể kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Hoạt động vận tải nội bộ không phải hoạt động kinh doanh vận tải. Do đó, yêu cầu xe vận tải nội bộ phải gắn thiết bị giám sát hành trình là chưa phù hợp với Luật GTĐB.
Chưa nên xây dựng dự thảo trong bối cảnh hiện nay
Đối với kinh doanh vận tải được phân loại theo từng loại hình vận tải để kiểm soát hành trình xe là cần thiết. Nhưng với vận tải nội bộ thì Nhà nước không kiểm soát về hành trình của xe, do đó thu nhận thông tin này là không cần thiết; đối với một số hoạt động vận tải nội bộ như vận chuyển nhân viên đi làm, học sinh thì thời gian sẽ không dài như hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Vì vậy, việc kiểm tra thời gian lái xe liên tục là không cần thiết.
Đặc biệt, VCCI nêu rõ, điều này sẽ tăng chi phí cho doanh nghiệp. Bởi tổng số phương tiện phải lắp thiết bị giám sát hành trình khoảng 400.000 xe, chi phí lắp đặt thiết bị khoảng 1,5 triệu đồng/xe/thiết bị và tổng chi phí cho 400.000 xe vào khoảng 600 tỷ. Điều này chưa phản ánh đầy đủ chi phí thực tế xã hội phải bỏ ra. Cơ quan soạn thảo cũng chưa tính chi phí từ phía cơ quan nhà nước phải bỏ ra để thực hiện biện pháp quản lý này?
"Vì thế, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ GTVT chưa nên trình đề nghị xây dựng Nghị định này vào thời điểm hiện nay", Bộ Tư pháp nêu rõ.