Theo ông Lam, với quyết định này, các doanh nghiệp nhập khẩu, sử dụng nguyên liệu nhựa PP có thể "thở phào nhẹ nhõm". Giữa tháng 11-2019, VPA nhận được công văn của Bộ Tài chính về việc xin ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, trong đó Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng Polypropylen (hạt nhựa PP thuộc nhóm HS 3902) từ 3% lên 5%.
"Sau khi nhận được kiến nghị của VPA, Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ đề xuất không tăng thuế nguyên liệu nhựa PP từ mức 3% lên 5% và đã được Chính phủ đồng ý. " – ông Lam thông tin thêm.
Xu hướng sử dụng các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường đang gia tăng (Trong ảnh: sản xuất bao bì nhựa tại nhà máy của Công ty Tetra Pak tại Bình Dương)
Được biết, việc giữ nguyên mức thuế nguyên liệu nhựa PP sẽ được kéo dài đến năm 2022, khi các nhà máy sản xuất nguyên liệu trong nước đảm bảo nguồn cung trên 50% sản lượng nội địa. Sau thời gian này, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục xem xét điều chỉnh thuế, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích đối với việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực lọc hóa dầu.
Cũng tại buổi họp mặt, VPA cảnh báo các doanh nghiệp hội viên nguy cơ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mượn xuất xứ Việt Nam để xuất sản phẩm nhựa sang các thị trường khác nhằm hưởng ưu đãi từ các hiệp định thương mại Việt Nam đang là thành viên.
"Nhập khẩu sản phẩm nhựa bán thành phẩm vào Việt Nam đã tăng trên 20% trong năm 2019, không loại trừ trường hợp doanh nghiệp mượn xuất xứ Việt Nam để bán hàng vào thị trường khác nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá" – ông Lam cảnh báo đồng thời bày tỏ lo ngại xuất khẩu nhựa Việt Nam sẽ gặp rủi ro, nguy cơ bị kiện phá giá tăng cao nếu để xảy ra tình trạng bị lợi dụng xuất xứ để xuất khẩu.
Theo số liệu của VPA, năm 2019 ngành nhựa vẫn duy trì được sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu nhưng nhìn chung mức tăng trưởng không đạt như kỳ vọng. Xét về góc độ cạnh tranh, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam hiện vẫn bị lép vế do nguyên liệu sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 15% - 35% nhu cầu cho các chủng loại nguyên liệu nhựa khác nhau, 85% còn lại đang phụ thuộc vào nhập khẩu. Bên cạnh đó, số lượng mẫu mã, chủng loại sản phẩm của ngành nhựa còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng.
Tính chung cả năm, ước tính sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp nhựa tăng 7,2%, đạt 8,89 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa tiếp tục tăng trưởng nhưng ở mức thấp so với năm 2018 với mức tăng trưởng là 12,2%, tương ứng 3,418 tỉ USD. (năm 2018 tăng 19,3% so với năm 2017, tương ứng 3,04 tỉ USD). Ước tính năm 2019, doanh thu của ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng ở mức 11,9% so với năm 2018 với tổng doanh thu khoảng 17,58 tỉ USD.
Trong bối cảnh ngành nhựa thế giới đã bước vào giai đoạn bão hòa, tốc độ tăng trưởng sản lượng sản xuất và tiêu thụ giảm dần xuống quanh mức 4% từ năm 2017 đến nay cùng với cơ cấu sản xuất nguyên liệu nhựa toàn cầu đang có xu hướng chuyển dịch sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, xu hướng chuyển dịch sang các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường, tổ chức Business Monitor International (BMI) dự báo ngành nhựa Việt Nam có thể duy trì sản lượng với đà tăng trưởng trung bình 6,5%/năm trong giai đoạn 2019-2023. Tuy nhiên, xu hướng hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa không thân thiện với môi trường cũng là một thách thức đối với ngành này trong khi cơ cấu xuất khẩu của ngành, các sản phẩm bao bì truyền thống không thân thiện với môi trường chiếm tỉ trọng tương đối lớn.