Henry Xia bước vào trong chiếc xe điện màu vàng cháy mà ông cùng các cộng sự tạo ra trên cương vị người đồng sáng lập Xpeng Motors Technology Ltd. Hỏi qua về chiếc xe và điều kiện giao thông, Xia bắt đầu nhấn ga. Người đàn ông 35 tuổi này là giám đốc điều hành cao nhất tại công ty sản xuất xe ô tô của Trung Quốc vốn chưa thể bán được một chiếc xe, chưa có nhà máy riêng hay thậm chí là giấy phép sản xuất của chính phủ hay ít nhất, họ vẫn chưa có.
He Xiaopeng, đồng sáng lập khác của Xpeng, chú ý tới lĩnh vực xe điện sau khi bán trình duyệt UCWeb Inc. cho Alibaba với giá 5 tỷ USD. Vào ngày sinh của con trai, He Xiaopeng nhận một cuộc gọi của một người ở GGV Capital – nhà đầu tư sớm của Xpeng và yêu cầu ông dành toàn bộ sự tập trung cho công ty xe điện. Nhà đầu tư nhắc rằng He đã không còn trẻ và bản thân ông cũng muốn con trai lớn lên cảm thấy tự hào khi ông làm được điều gì đó rất có ý nghĩa.
Khi He rút khỏi UCWeb Inc., CEO Alibaba là Daniel Zhang chấp thuận nhưng lại đòi đầu tư vào Xpeng. Hai tuần sau, họ ký thỏa thuận và Alibaba trở thành cổ đông lớn thứ 2 của Xpeng. Phó chủ tịch điều hành Alibaba, ông Joseph Tsai, sẽ góp mặt trong hội đồng quản trị của Xpeng. Mọi việc tiếp diễn và thuận lợi hơn thế cho Xpeng.
Những gì mà công ty khởi nghiệp 4 tuổi có được là được sự ủng hộ từ gã khổng lồ công nghệ Alibaba, Foxconn và Xiaomi. Dự kiến, Xpeng sẽ tăng giá trị từ 600 triệu USD (do Alibaba đầu tư) lên 4 tỷ USD trong tháng này sau khi đạt được những thỏa thuận gọi vốn mới.
Dù không nổi tiếng bằng Tesla nhưng xe điện của Xpeng không tỏ ra kém cạnh với gã khổng lồ của tỷ phú Elon Musk về độ bóng bẩy cùng nội, ngoại thất đẹp. Nó được tích hợp hệ thống điều khiển bằng giọng nói, nghe nhạc và xem video trực tuyến, bản đồ lịch trình và các phần mềm khác. Xpeng không giấu diếm tham vọng tự động hóa chiếc xe.
Trong thị trường xe điện đang cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Henry Xia khẳng định công ty không muốn chế tạo một chiếc xe chạy pin mà thực chất là một con robot nằm trên những chiếc bánh. Trong khi đó, tiềm năng từ thị trường xe điện của Trung Quốc là lý do cho các gã khổng lồ bơm tiền đầu tư vào Xpeng. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc dẫn tới việc thuế nhập khẩu ô tô Mỹ tăng 40%, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những công ty như Xpeng phát triển.
Tuy nhiên, cơ hội lớn nhất chính là việc Tesla chưa xây dựng được nhà máy sản xuất ở Trung Quốc. Khi gã khổng lồ chưa kịp bành trướng, những công ty khởi nghiệp địa phương còn có cơ hội để phát triển và trở thành đối trọng khi đối thủ chân ướt chân ráo tiến vào thị trường. Giá thành cũng sẽ là vũ khí hiệu quả giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của các thương hiệu nhỏ.
Ở thời điểm hiện tại, Tesla mới chỉ đạt thỏa thuận sơ bộ hồi tuần trước với chính quyền Thượng Hải nhằm xây dựng một nhà máy sản xuất xe hơi 100% sở hữu nước ngoài đầu tiên ở Trung Quốc. Tesla dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất xe trong 2 năm kể từ khi bắt đầu xây dựng nhà máy và tạo ra 500.000 xe mỗi năm tại Trung Quốc từ 2-3 năm sau đó.
Tuy nhiên, điều đó không dễ dàng. Tesla cần phải được sự chấp thuận của Chính phủ Trung Quốc để có thể bắt đầu kế hoạch. Với chỉ 2,7 tỷ USD tiền mặt, Tesla sẽ cần phải nỗ lực để kiếm đủ 10 tỷ USD, con số mà Bloomberg ước tính để xây dựng nhà máy. Chưa thể xác định Tesla sẽ huy động nguồn tiền này ở đâu.
John Zeng, giám đốc điều hành của LMC Automotive Shanghai, nhận định: "Tesla đang hết thời gian. Năm ngoái, họ chỉ bán được khoảng 15.000 xe điện ở Trung Quốc, chiếm chưa tới 3% tổng số nhu cầu của thị trường với hơn 25 triệu xe điện được bán ra".
Trong khi đó, câu chuyện với các doanh nghiệp sản xuất xe điện địa phương của Trung Quốc lại hoàn toàn khác. Họ được chính phủ hỗ trợ tài chính bởi Bắc Kinh muốn dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này. Không chỉ có Xpeng mà hàng trăm công ty khác hoạt động trong lĩnh vực này cũng đang chạy đua để giành thị phần.
Trong khi đó, người mua xe điện của Trung Quốc cũng nhận được nhiều ưu đãi. Họ dễ dàng tránh được hàng loạt những hạn chế và giấy phép vốn được áp dụng cho các loại xe chạy nhiên liệu hóa thạch. Kết hợp với sự chú ý của những tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc, xe điện thực sự là lĩnh vực vô cùng tiềm năng.
Không chỉ có Xpeng, ít nhất 4 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực xe điện khác cũng đã được định giá nhiều hơn 1 tỷ USD. Theo công ty nghiên cứu China Money Network, những cái tên đó là NIO, WM Motor Technology Co., Byton và Youxia Motors.
Khi Tesla bắt đầu bán Model S tại Trung Quốc năm 2014, giới chức Thượng Hải yêu cầu Musk xây một nhà máy ở quận Pudong. Chấp thuận yêu cầu nhưng Tesla muốn giữ toàn quyền sở hữu của công ty thay vì liên kết với các doanh nghiệp Trung Quốc. Những sự khác biệt khiến cả hai bên đều chưa thể tiến xe hơn trong kế hoạch này.
Tuy nhiên, cơ hội dường như đã hết với Tesla. Việc Trung Quốc thúc đẩy sản xuất xe điện trong nước khiến Tesla bị đặt vào một tình thế không hề dễ dàng nếu muốn xây dựng nhà máy sản xuất ở nước này. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng không còn quá mặt mà với một công ty như Tesla, nhất là khi việc sản xuất không giúp họ được chuyển giao công nghệ.