Chính phủ Singapore dự kiến, GDP nước này sẽ giảm 4 tới 7% trong năm nay, cao hơn nhiều so với dự báo giảm từ 1-4% được đưa ra trước đó. Triển vọng kinh tế toàn cầu xấu chính là lý do Singapore đưa ra dự báo tiêu cực chưa từng có kể từ khi quốc gia này độc lập từ hơn nửa thế kỷ trước.
Lý giải cho dự báo này, ông Gabriel Lim, quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Singapore, cho biết: "Mức độ không chắc chắn kéo dài về thời gian kiểm soát cũng như mức độ nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 là nguyên nhân chính. Cùng với đó, quỹ đạo của sự phục hồi kinh tế, ở cả Singapore và trên thế giới, cũng không thể dự đoán".
Là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới, Singapore chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụt giảm nghiêm trọng trong thương mại và du lịch toàn cầu khi đại dịch bùng phát. Phó thủ tướng Singapore Heng Swee Keat chuẩn bị công bố gói kích thích thứ 4 ở Quốc hội để chống lại những tác động kinh tế.
Triển vọng ảm đạm với kinh tế Singapore được đưa ra sau khi nhiều nền kinh tế khác trong khu vực tung ra những thông tin không mấy lạc quan. Trung Quốc, trong lần hiếm hoi, đã không đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2020 và cam kết thích thích nhiều hơn, đặc biệt nhằm tạo ra thêm việc làm. Nhật Bản thì chứng kiến giá tiêu dùng giảm trong tháng 4, lần đầu tiên trong hơn 3 năm qua. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ thì cho biết dự kiến GDP nước này sẽ giảm lần đầu tiên trong 4 thập kỷ.
Việc hạ thấp triển vọng tăng trưởng của Singapore được đưa ra ngay cả khi GDP quý đầu giảm 4,7% so với 3 tháng trước, tốt hơn nhiều so với dự đoán giảm 10,6% được đưa ra trước đó. Tăng trưởng sản xuất dược phẩm giúp bù đắp được những thiệt hại lĩnh vực điện tử gây ra.
Vishnu Varathan, người đứng đầu bộ phận kinh tế và chiến lược tại Mizuho Bank Ltd., Singapore, cho biết, với những hạn chế của việc phong tỏa và có thể kéo dài tới đầu tháng 6, thiệt hại nặng nề sẽ thực sự xảy ra từ quý 2 trở đi.
Trong khi đó, nền kinh tế Singapore sẽ ra sao trong nửa cuối năm 2020 phụ thuộc vào việc ngăn chặn dịch bệnh trong nước cũng như tình hình chung của thế giới. Về phần mình, Singapore sẽ tập trung dập dịch đi cùng các biện pháp kích thích kinh tế, trong đó có lĩnh vực việc làm, để từng bước phục hồi sau dịch. Ngăn chặn đợt bùng phát dịch bệnh thứ 2 cũng là mục tiêu được nhà chức trách Singapore đề cao, nhất là khi việc mở cửa nền kinh tế và một phần biên giới làm dấy lên nguy cơ bùng phát đại dịch.