Một ngân hàng lớn, cụ thể là VietinBank, vừa thông báo công khai chào bán các khoản nợ vay tiêu dùng phục vụ đời sống để thu hồi nợ. Đợt rao bán lần này có tới 264 món vay của khách hàng cá nhân với tổng giá trị khoản nợ (bao gồm gốc, lãi, lãi phạt) hơn 6,58 tỷ đồng.
Trong đó, khoản nợ có giá trị cao nhất là gần 101 triệu đồng, còn lại phổ biến từ 5-20 triệu đồng/khoản nợ. Đáng chú ý, bên cạnh đó còn có nhiều khoản vay có giá trị rất nhỏ, chỉ dưới 1 triệu đồng, thậm chí có khoản vay chỉ 483 nghìn đồng.
Các khoản nợ này được rao bán với giá khởi điểm bằng giá trị ghi sổ khoản nợ (bao gồm gốc, lãi, lãi phạt). Khách hàng muốn mua sẽ phải thanh toán 1 lần 100% giá trị khoản nợ. Do là các khoản vay tiêu dùng phục vụ đời sống nên không có tài sản đảm bảo.
Giá khởi điểm không bao gồm các chi phí liên quan đến việc việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản và các chi phí khác (nếu có) khi thực hiện mua khoản nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu. Việc mua, bán khoản nợ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.
Ngân hàng có thể bán từng khoản nợ riêng lẻ hoặc bán tất cả các khoản nợ một lúc. Ngân hàng sẽ lựa chọn người mua trả giá cao nhất và ít nhất bằng giá khởi điểm từng khoản nợ.
Người có nhu cầu mua khoản nợ gửi Đơn đăng ký mua và gửi thư về địa chỉ Phòng Quản lý nợ có vấn đề của nhà băng này.
Sau 1 ngày làm việc kể từ ngày thông báo trúng chào giá mà người mua được chọn không tới địa chỉ nêu trên và ký Hợp đồng thì quyền mua khoản nợ đáp ứng tiêu chí lựa chọn trên có giá chào cao tiếp theo và xem như mất tiền đặt trước. Trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng, người mua đến địa chỉ nêu trên để nhận hồ sơ khoản nợ.
Một số khoản nợ tiêu dùng đang được ngân hàng rao bán
Đây không phải là lần đầu tiên ngân hàng này rao bán các khoản nợ tiêu dùng và tương tự, giá khởi điểm đều bằng với giá trị khoản nợ. Điều đó có nghĩa, người mua có thể sẽ phải bỏ nhiều hơn giá trị khoản nợ để mua được.
Động thái này cũng khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu, bởi ngân hàng rất ít khi rao bán công khai các khoản nợ vay tiêu dùng, lại với giá khởi điểm cao như vậy. Ngay cả các khoản nợ có tài sản đảm bảo cũng thường được rao bán với giá khởi điểm thấp hơn nhiều so với giá trị khoản nợ, thậm chí phải giảm giá nhiều lần mới có người mua.
Từng trao đổi với người viết, đại diện ngân hàng cho biết, việc rao bán các khoản nợ tiêu dùng tuy lạ ở Việt Nam nhưng đã rất phổ biến ở nước ngoài và sẽ dần trở thành xu hướng. Việc bán các khoản nợ này cũng đảm bảo tuân thủ theo quy định pháp luật, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 09/2015/TT-NHNN ngày 17/7/2015 quy định về hoạt động mua bán nợ của TCTD. Người mua được khoản nợ sẽ trở thành chủ nợ và có các quyền đòi nợ theo quy định của pháp luật.
Trên thực tế, ngân hàng không chỉ bán nợ xấu mà còn có thể bán các khoản nợ tốt. Một chuyên gia ngân hàng nhận định, tại những thị trường mua bán nợ phát triển trên thế giới, người ta bán tất cả các loại nợ, cả nợ tốt và nợ xấu. Ngân hàng có thể bán các khoản nợ chưa thành nợ xấu do muốn giảm tỷ lệ dư nợ tại một phân khúc.
Tại Việt Nam, việc thị trường mua bán nợ chưa phát triển do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đã gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng muốn xử lý nợ để thu hồi vốn trong thời gian vừa qua. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận chủ trương thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC theo mô hình chi nhánh. Theo đó, VAMC đã thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam – Chi nhánh Sàn giao dịch nợ. Được biết, VAMC đang đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để chính thức khai trương Sàn giao dịch nợ xấu dự kiến trong quý III/2021.