Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong khoảng 5,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 4 tháng đầu năm, khách Hàn Quốc chiếm 1,17 triệu lượt, tăng 67% so với cùng kỳ. Năm ngoái, ngành du lịch cũng đón tới 2,4 triệu lượt khách Hàn Quốc, tăng 56,4% so với cùng kỳ và Hàn Quốc trở thành một trong những thị trường cung cấp nguồn khách lớn cho Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc.
Miền Trung quyến rũ khách Hàn
Khoảng 2 năm trở lại đây, khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng tăng mạnh và hiện đang dẫn đầu lượng khách quốc tế đến địa phương này, vượt cả khách Trung Quốc. Theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, năm 2017, TP đón 1,3 triệu lượt khách Hàn Quốc, tăng gần 100% so với năm trước.
Khách Hàn Quốc tham quan các điểm du lịch tại trung tâm TP Đà Nẵng Ảnh: BÍCH VÂN
Dịp lễ 30-4 vừa qua, tại các địa điểm du lịch của TP Đà Nẵng, khách Hàn Quốc chiếm phần lớn lượng khách quốc tế. Những điểm như chợ Hàn, nhà thờ Con Gà, Bảo tàng Đà Nẵng…, mỗi ngày đón cả hàng trăm thậm chí đến hàng ngàn du khách Hàn Quốc. Trên các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) còn có cả những khu phố Hàn Quốc với hàng chục nhà hàng, quán ăn có bảng quảng cáo phụ bằng tiếng Hàn.
Hiện Đà Nẵng có 8 hãng hàng không khai thác đường bay thẳng tới các điểm đến ở Hàn Quốc và ngược lại. Trung bình mỗi tuần có 82 chuyến bay trực tiếp hoặc thuê chuyến đưa khách du lịch từ Hàn Quốc - Đà Nẵng. Đây có thể là một trong những nguyên nhân chính khiến lượng khách Hàn tăng vọt gần đây.
Tương tự, tại Hội An (Quảng Nam), cùng với khách Trung Quốc, du khách người Hàn Quốc cũng tăng đột biến. Buổi sáng, họ thường đến các điểm du lịch như làng rau Trà Quế, rừng dừa Bảy Mẫu - Cẩm Thanh tham quan, chơi các trò chơi, ăn trưa. Buổi chiều sẽ đi thăm làng gốm Thanh Hà rồi mới đến khu phố cổ. Vì vậy, khu phố cổ Hội An thường khá đông đúc, rộn ràng vào buổi chiều khi các đoàn khách Hàn, Trung Quốc đến tham quan.
Tại TP Huế, các điểm du lịch như Đại nội Huế, lăng tẩm... du khách Hàn Quốc đến tham quan khá đông. Theo ông Lê Hữu Minh, quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, năm 2017 lượng khách này dẫn đầu trong top 10 khách quốc tế đến Huế.
Anh Lê Văn Quý - một hướng dẫn viên tự do làm việc ở Đà Nẵng, Hội An - cho biết du khách Hàn Quốc có xu hướng đi du lịch ngày càng tăng và khi tới Việt Nam, họ chọn miền Trung làm điểm đến đầu tiên bởi ở đây có các giá trị văn hóa, thiên nhiên, con người đặc sắc. Cộng thêm Đà Nẵng, Hội An gần đây có nhiều chương trình kích cầu, quảng bá rất tốt hình ảnh đến với du khách. "Nhất là sau Hội nghị APEC, Đà Nẵng khá nổi tiếng ở Hàn Quốc và nhiều người muốn đến đây du lịch, khi đến Đà Nẵng thì họ sẽ thăm Hội An" - anh Quý nhận xét.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết từ năm 2016 trở lại đây, du khách Hàn Quốc đến Hội An tăng đột biến, vượt qua cả thị trường khách Trung Quốc (trước đó, năm 2015 khách Trung Quốc dẫn đầu). Thống kê năm 2017 của ngành du lịch địa phương này, có hơn 240.000 lượt khách Hàn Quốc đến Hội An, tăng 70% so với năm trước, trong khi khách Trung Quốc khoảng 200.000 lượt. Xu hướng dịch chuyển điểm đến của khách Hàn từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng giúp ngành du lịch Việt Nam đón nhận thêm lượng lớn du khách từ xứ sở kim chi.
"Các đơn vị lữ hành của Hàn Quốc chọn miền Trung là điểm đến vì miền Trung có nhiều bãi biển đẹp, ẩm thực phong phú, có nhiều di sản văn hóa trong bán kính hẹp như Mỹ Sơn, Hội An, Kinh đô Huế… Vấn đề tiếp thị, liên kết phát triển hàng không khi các hãng hàng không Việt Nam ưu tiên phát triển, hợp tác với các hãng của Hàn Quốc để đưa khách đến Việt Nam cũng giúp gia tăng lượng khách" - ông Sơn đánh giá.
Thêm sản phẩm để giữ chân khách
Nhiều công ty du lịch cũng ghi nhận lượng khách Hàn Quốc tăng đáng kể thời gian qua. Bà Trần Thị Bảo Thu - Giám đốc truyền thông và tiếp thị Công ty Fiditour - cho biết trong năm 2017, lượng khách từ thị trường này đến Việt Nam thông qua Fiditour đã tăng khoảng 45% so với cùng kỳ và 3 tháng đầu năm nay đã đạt xấp xỉ 100.000 lượt khách. Việt Nam trở thành một trong những điểm đến được yêu thích nhất của người Hàn Quốc nhờ vào những danh lam thắng cảnh nổi tiếng được UNESCO công nhận, cùng hệ thống an ninh tuyệt đối. Hàn Quốc gần đây cũng hợp tác khai thác nhiều tuyến bay giá rẻ đến Việt Nam, thuận tiện thúc đẩy du lịch hai nước.
"Việc gia tăng khách Hàn đến Việt Nam không chỉ góp phần đa dạng hóa thị trường khách quốc tế, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường khách truyền thống mà còn giúp tăng doanh thu cho doanh nghiệp du lịch và địa phương" - bà Thu nhìn nhận.
Trong khi đó, một số công ty du lịch cho rằng dù lượng khách Hàn đến ngày càng đông nhưng các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc thù phục vụ thị trường khách này lại chưa nhiều. Muốn du khách Hàn "móc hầu bao" nhiều hơn cần những sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn cho thị trường này.
Và để cải thiện sản phẩm du lịch dành cho khách châu Á, trong đó có thị trường khách Hàn, ngành du lịch cần nắm bắt xu hướng và sở thích của họ để tạo ra sản phẩm phù hợp. Chẳng hạn, người Hàn Quốc thường di chuyển nhiều nơi trong thời gian ngắn. Vì vậy, các điểm đến du lịch phải gần kề nhau, kết hợp cả du lịch biển, du lịch sinh thái và các di tích văn hóa... nhằm nâng cao sức hấp dẫn.
Khách Hàn cũng rất thích tìm hiểu về ẩm thực nên cần đưa vào chương trình tour các điểm thưởng thức văn hóa ẩm thực nhằm giúp họ có thêm trải nghiệm và khuyến khích chi tiêu nhiều hơn.
Nhằm duy trì sức hấp dẫn và tiếp tục thu hút du khách Hàn Quốc, ngoài sự gia tăng các chuyến bay trực tiếp và chính sách thị thực, theo các chuyên gia du lịch, một yếu tố rất quan trọng là điểm đến phải phù hợp thị hiếu, nhất là ẩm thực. Cần nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc đào tạo và phát triển thêm nguồn nhân lực biết tiếng Hàn và hiểu văn hóa Hàn để phục vụ cho thị trường này. Ngoài ra, ngành du lịch Việt Nam có thể tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua các chương trình, sự kiện thường niên tại Hàn Quốc để tăng tính thu hút, "sự nhận diện" của du lịch Việt Nam đối với du khách thị trường này.
Khách chủ yếu đến tham quan
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, dù tăng đột biến thời gian qua nhưng khách Hàn Quốc không phải là chiến lược của Hội An, địa phương không có chủ trương thu hút mạnh khách Hàn Quốc, Trung Quốc mà xây dựng sản phẩm hướng về du khách châu Âu, Nhật Bản. Kinh nghiệm từ các nước như Indonesia, Thái Lan cho thấy khách Hàn thường ồ ạt đến một thời điểm sau đó sẽ giảm dần. Điều này cũng có thể xảy ra với với Việt Nam trong thời gian tới. Hơn nữa, sản phẩm mà khách Hàn hướng tới không phải là sản phẩm của Hội An khuyến khích, như tham quan rừng dừa Bảy Mẫu, làng gốm…
"Khi họ đến khu phố cổ có thể gây ồn ào, ảnh hưởng tới di sản cũng như môi trường chung, nhất là đối với khách châu Âu thích sự bình yên, nhẹ nhàng của Hội An. Dù so với khách Trung Quốc, khách Hàn chi tiêu nhiều hơn, văn hóa cao hơn nên ít ảnh hưởng hơn" - ông Sơn nói.
Công ty Hàn Quốc bao trọn gói
Ở một số địa phương, lượng khách Hàn tăng cao đã bắt đầu phát sinh những tiêu cực, trong đó có cả việc xuất hiện tình trạng bán tour khép kín, tour giá rẻ do người Hàn Quốc trực tiếp bán, hướng dẫn khách tham quan. Anh Nguyễn Anh Toàn, một hướng dẫn viên tiếng Hàn tại Đà Nẵng, cho hay mặc dù lượng khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng tăng cao và đột biến nhưng hiện tại, nhân lực phục vụ cho lượng khách này còn thiếu và yếu. Cụ thể, Đà Nẵng chỉ mới có khoảng vài chục hướng dẫn viên tiếng Hàn, rất ít công ty lữ hành khai thác, đón khách Hàn Quốc.
"Các công ty lữ hành của ta chủ yếu đón khách lẻ, khách đoàn nhỏ. Còn lại những đoàn khách lớn đều được các công ty lữ hành của Hàn Quốc bao trọn gói từ việc bán tour cho tới việc tổ chức các dịch vụ đi lại, mua sắm, vui chơi" - anh Toàn nói.