Tập đoàn đồ uống Thái Lan ThaiBev mới đây đã công bố dự định niêm yết mảng bia tại Thái Lan và Singapore với mức định giá dự kiến lên đến 10 tỷ USD.
ThaiBev hiện là doanh nghiệp bia hàng đầu tại Thái Lan đồng thời sở hữu 54% cổ phần của doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam là Sabeco.
Sau khi chi tới 4,8 tỷ USD để nắm quyền kiểm soát Sabeco, phía ThaiBev đã có khá nhiều động thái cải thiện hiệu quả hoạt động cũng như cải thiện hình ảnh thương hiệu.
Sau thành công của chiến dịch tái tung thương hiệu Bia Sài Gòn, Sabeco (SAB) đang tiến hành chiến dịch tái tung thương hiệu cho bia 333. SAB vừa giới thiệu mẫu bao bì mới cho bia 333 với diện mạo mới hiện đại và cao cấp hơn so với bao bì cũ.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng định vị của 333 có thể sẽ dần được cao cấp hóa để giúp Sabeco tăng cường sự hiện diện trong phân khúc cận cao cấp/cao cấp.
Kế hoạch tái tung bia 333 trong thời gian tới tiếp tục củng cố sức mạnh cho danh mục thương hiệu của Sabeco, VCSC nhận định. Được biết, chiến dịch làm mới thương hiệu bước đi mới nhất của Sabeco nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng kinh doanh, tiếp nối những cải tiến gần về nâng cao năng suất, tăng cường quản lý chuỗi cung ứng, bán hàng và tiếp thị.
Mặt khác, giá bán tăng và tối ưu hóa chi phí cũng góp phần hỗ trợ biên lợi nhuận của mảng bia. VCSC dự báo biên lợi nhuận gộp mảng bia sẽ tăng lên 30,6% trong quý 4/2019 và 32,4% trong năm 2020 so với mức 28,7% trong 9 tháng 2019 và 28,9% trong quý 3/2019.
Việc biên lợi nhuận gộp tăng này sẽ đến từ giá bán/cơ cấu sản phẩm cải thiện, các giải pháp tối ưu hóa chi phí cũng như giá nguyên liệu thô thuận lợi hơn trong năm 2020. Đơn cử, ngày 1/10/2019, Sabeco tăng giá bia Saigon Special (thương hiệu cận cao cấp) khoảng 2-3% sau đợt tăng giá tương tự cho bia Saigon Lager ngày 1/8/2019.
Bên cạnh việc tăng giá bán, biên lợi nhuận còn được cải thiện thông qua các giải pháp tối ưu hóa chi phí và biên lợi nhuận như tiếp tục giảm cước phí vận chuyển, tối ưu hóa lộ trình vận chuyển, tiếp tục hợp nhất sản lượng bia vào các nhà máy thuộc kiểm soát của Sabeco và số hóa quy trình hoạt động. VCSC còn kỳ vọng tình trạng giá nhôm giảm mạnh từ giữa năm 2018 đến nay cũng sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận gộp của Sabeco trong năm 2020.
Thực tế hiệu quả kinh doanh của Sabeco tiếp tục cải thiện, luỹ kế 9 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu 28.322 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng 4.279 tỷ đồng, lần lượt tăng 10,5% và 23% so với 9 tháng đầu năm 2018. Theo giải trình phía Sabeco, doanh thu trong kỳ tăng do tăng sản lượng và giá bán. Cùng với doanh thu tài chính tăng, tiết kiệm chi phí thúc đẩy lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ.
Hai quý gần đây lợi nhuận của Sabeco đều ở mức cao nhất kể từ khi ThaiBev tiếp quản hồi đầu năm 2018.
So với kế hoạch 38.871 tỷ doanh thu và 4.717 tỷ LNST, 3 quý đầu năm Sabeco đã lần lượt thực hiện được 73% chỉ tiêu doanh thu và gần 91% chỉ tiêu lợi nhuận.
Mặc dù vậy, tương tự các đối thủ khác, Sabeco vẫn đang đối mặt với rủi ro tăng trưởng tiêu thụ bia tại Việt Nam chững lại; nếu Sabeco không tăng được thị phần do áp lực cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ có thể ảnh hưởng biên lợi nhuận.