Đấu thầu phải minh bạch
Quốc hội đã thông qua chủ trương cao tốc Bắc – Nam phía đông (gọi tắt là cao tốc Bắc - Nam) tại Nghị quyết số 52/2017/QH14. Trong đó, Quốc hội đưa ra yêu cầu phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, khắc phục các bất cập của loại hình BOT. Chính vì vậy, một trong những nội dung được tập trung giải trình và đưa ra biện pháp xử lý trong tờ trình của Bộ GTVT lên Chính phủ là việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu.
Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ: Ngay trong quá trình chuẩn bị các dự án, cho phép Bộ GTVT lựa chọn các nhà tư vấn giao dịch thực hiện công tác lập hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu chọn nhà đầu tư. Bộ GTVT cũng nêu quyết tâm thực hiện toàn bộ việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu trong vòng 12 tháng với tinh thần “làm việc cả ngày cuối tuần”.
Với trường hợp chỉ một nhà thầu đăng ký tham gia, rút kinh nghiệm trước đây (chỉ xin cơ chế chỉ định thầu các dự án BOT ở cấp Chính phủ), lần này, Bộ GTVT đề nghị thực hiện theo Nghị quyết về cao tốc Bắc - Nam của Quốc hội. Cụ thể, trong trường hợp này, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ báo cáo ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Với các dự án sử dụng hoàn toàn bằng ngân sách, Bộ GTVT cũng đề nghị được thực hiện đúng nguyên tắc đấu thầu. Để rút ngắn tiến độ, Bộ GTVT đề nghị được thực hiện đấu thầu cho từng gói thầu độc lập với thời gian đấu thầu khoảng 5 tháng.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đặt mục tiêu sẽ khởi công dự án đầu tiên thuộc cao tốc Bắc – Nam vào tháng 8/2018 (là dự án đầu tư bằng ngân sách), cuối năm 2019 ký các hợp đồng dự án cao tốc theo hình thức BOT và sau đó triển khai đồng loạt để thực hiện đúng yêu cầu Quốc hội đề ra (hoàn thành 654 km cao tốc Bắc – Nam vào năm 2021).
Không để tình trạng tay không bắt giặc
Một trong những điểm mới trong đề xuất của Bộ GTVT là tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tại cao tốc Bắc - Nam lên 20% trong tổng mức đầu tư dự án (quy định hiện nay, nhà đầu tư BOT chỉ cần có vốn chủ sở hữu 10% - 15%). Điều này sẽ khắc phục được dư luận về việc “tay không bắt giặc” của các nhà đầu tư BOT lâu nay.
Bộ GTVT cũng đề nghị cho phép nhà đầu tư tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu hơn con số 20% nhưng cũng đưa ra cảnh báo: Nếu chủ đầu tư góp vốn chủ sở hữu càng cao, khả năng đẩy tổng mức đầu tư dự án càng cao. Bởi vì, hợp đồng dự án chỉ tính lợi nhuận của nhà đầu tư trên vốn chủ sở hữu và con số này (đang được Bộ GTVT đề nghị mức cao nhất là 11,7%) cao hơn lãi suất ngân hàng.
Với trường hợp sau khi trúng thầu 3 tháng, nhà đầu tư không thu xếp đủ vốn để thực hiện dự án, Bộ GTVT cũng đề nghị hủy bỏ kết quả trúng thầu, báo cáo Ủy ban Thường vụ xem xét.
Một trong những điểm khiến nhà đầu tư BOT lâu nay phản ứng là các dự án BOT bị quản lý chặt theo cơ chế thực thanh thực chi, gây gò bó trong áp dụng biện pháp kỹ thuật đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm chi phí cũng được Bộ GTVT đề nghị tháo gỡ. Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ thống nhất nội dung: Giá trị vốn vóp của Nhà nước thông qua đấu thầu là giá trị thanh toán cuối cùng cho nhà đầu tư, không phụ thuộc vào giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công.
Trông chờ ngân hàng trong nước
Cũng trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ GTVT phân tích: Với việc các đề xuất về tín dụng của dự án không được thông qua (như bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bảo lãnh tỷ giá, bảo lãnh trách nhiệm của Chính phủ…), việc kêu gọi nguồn lực của các nhà đầu tư hay các tổ chức tín dụng nước ngoài vào dự án này là “không khả thi”.
Trong khi đó, với nguồn tín dụng trong nước đang vướng mắc các quy định về tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ GTVT nghiên cứu, đề xuất phương án huy động vốn tín dụng cho dự án.
Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ bổ sung lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và UBND các tỉnh/thành phố có dự án đi qua vào Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT để chỉ đạo dự án này.
Vì dự án có quy mô lớn, phức tạp, triển khai gấp, Bộ GTVT cũng đề nghị thành lập nhóm công tác liên ngành (bao gồm Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp và lãnh đạo địa phương có dự án đi qua) để đàm phán, thực hiện từng dự án.
Tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
l Cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 được Quốc hội thông qua với 654 km, tổng mức đầu tư gần 120.000 tỷ đồng (vốn ngân sách 55.000 tỷ đồng) hoàn thành vào năm 2021. Có toàn bộ 11 dự án thành phần gồm 8 dự án BOT và 3 dự án đầu tư hoàn toàn bằng ngân sách.
l Báo cáo trước Quốc hội, đại diện Chính phủ đánh giá việc đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam là không thể trì hoãn. Cụ thể, Chính phủ cho rằng, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại là điểm nghẽn của quá trình phát triển. Theo các báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu xuất bản năm 2017, đánh giá đến năm 2015, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam chỉ đứng vị trí thứ 60/138 quốc gia và đứng thứ 7 khu vực Đông Nam Á.
Tờ trình Chính phủ trình Quốc hội đánh giá: Hành lang vận tải Bắc - Nam kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP HCM đi qua 32 tỉnh và thành phố, kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. "Đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đáp ứng các tiêu chí năng lực vận tải lớn, tốc độ cao, an toàn, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội"- Báo cáo của Chính phủ nêu.
Bảo An
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh:
Cao tốc kéo giảm áp lực BOT trên QL 1A
Cao tốc là tuyến đường mới, tốc độ nhanh, thu tiền theo km nên lái xe sẽ hoàn toàn đồng tình, không phản ứng. Do cao tốc Bắc – Nam đi song song với QL 1A nên phương tiện sẽ chuyển sang đi cao tốc, ít đi trên QL 1A hơn. Khi đó, các dự án BOT trên QL 1A chắc chắn sẽ giảm và đó là "cuộc chơi" của thị trường và các nhà đầu tư BOT trên QL 1A phải chịu.
Trong điều kiện khoa học kỹ thuật phát triển như hiện nay, việc thi công đường giao thông rất thuận lợi nên Bộ GTVT và nhà đầu tư không nên để dự án chậm tiến độ, trì hoãn. Tuy ở ngành đường bộ nhưng khi ngồi nghe các chuyên gia giao thông phát biểu về việc nước ta cần phát triển đường sắt với rất nhiều lợi ích, tôi thấy rất thuyết phục.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ:
Đường sắt mới giúp đất nước cất cánh
Quốc hội và Chính phủ đã quyết định phát triển đường bộ cao tốc trước. Tuy nhiên, bản thân tôi và rất nhiều chuyên gia trong ngành vẫn bảo lưu quan điểm cần sớm phát triển đường sắt. Các nước phát triển đều tập trung phát triển đường sắt vì loại hình này giá cả rẻ hơn đường bộ. Một đoàn tàu có thể kéo theo 100 toa tàu với chi phí giảm từ 30 - 70% so với đường bộ. Dù làm đường bộ trước nhưng để đất nước cất cánh, tăng năng lực cạnh tranh phải phát triển các loại hình vận tải hiệu quả, giá rẻ như đường sắt. Cụ thể, cần quy hoạch ngay đường sắt trong quá trình thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam nhất là trong điều kiện chiều ngang đất nước nhỏ hẹp như Việt Nam. Phải xem đây là bài toán tổng thể của ngành vận tải, nền kinh tế chứ không đơn thuần chỉ là kỹ thuật thi công công trình giao thông. Bảo An (ghi)