Mới đây, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga đã có thông báo chính thức cho phép nhập khẩu thịt gà chế biến từ Việt Nam. Vậy, để sản phẩm thịt gà chế biến có thể vào được thị trường này, các doanh nghiệp cần đáp ứng những điều kiện gì, thưa ông?
- Ngay sau khi Việt Nam cho phép nhập khẩu thịt lợn từ Nga, phía Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga cũng có thông báo chính thức cho phép nhập khẩu thịt gà chế biến từ Việt Nam.
Trước mắt, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (chi nhánh Nhà máy chế biến sản phẩm thịt gà tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là doanh nghiệp đầu tiên được cơ quan này cấp phép cho xuất khẩu các sản phẩm thịt gà chế biến sang thị trường Nga.
Dây chuyền chế biến thịt gà tại doanh nghiệp ở quận 1, TP.HCM. Ảnh: Long Bình
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu thịt gà chế biến đạt trên 11 triệu USD. Dự kiến trong năm 2020, giá trị xuất khẩu thịt gà chế biến sẽ còn tiếp tục tăng. Riêng Công ty TNHH Koyu & Unitek tại Đồng Nai sẽ xuất khẩu khoảng 3.625 tấn thịt gà chế biến với tổng giá trị khoảng 20 triệu USD. |
Để được phép xuất khẩu sang thị trường Nga, doanh nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc về an toàn dịch bệnh của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và Liên bang Nga, tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm theo thông lệ quốc tế và Nga.
Điều quan trọng là, việc thịt gà chế biến của Việt Nam được cấp phép chính thức xuất khẩu sang Nga sẽ mở ra cánh cửa để chinh phục thị trường các nước trong Liên minh kinh tế Á - Âu vô cùng rộng lớn, bao gồm Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan.
Chỉ cần đáp ứng được các tiêu chuẩn chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt gà theo chuỗi, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc thì cánh cửa thị trường luôn rộng mở.
Hiện, mới chỉ có 1 doanh nghiệp được phép xuất khẩu thịt gà sang thị trường Liên bang Nga, ông đánh giá như thế nào về năng lực cũng như triển vọng của các doanh nghiệp trong ngành sản xuất, chế biến gia cầm hiện nay ?
- Trước khi có kết quả này, Cục Thú y đã nhiều lần làm việc với cơ quan chức năng Liên bang Nga để chứng minh năng lực sản xuất, khả năng đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của nước bạn cũng như OIE về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Cuối tháng 10/2019, đoàn lãnh đạo của Cục Thú y Nga sang Việt Nam làm việc, nhân dịp này, Cục Thú y đã mời họ đến tham quan các cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp Việt và họ rất ấn tượng về công nghệ mà các doanh nghiệp đang áp dụng.
Điều quan trọng là, thịt gà chế biến của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, một thị trường vô cùng khắt khe. Năm 2019, con số xuất khẩu mặt hàng này của các công ty trong nước đã đạt trên 11 triệu USD. Dự kiến trong năm 2020, giá trị xuất khẩu thịt gà chế biến sẽ còn tiếp tục tăng.
Riêng Công ty TNHH Koyu & Unitek tại Đồng Nai sẽ xuất khẩu khoảng 3.625 tấn thịt gà chế biến với tổng giá trị khoảng 20 triệu USD. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp sản xuất, chế biến thịt gà hàng đầu Việt Nam và có thể đáp ứng được yêu cầu của rất nhiều thị trường khác, sau khi đã khẳng định được vị trí tại thị trường Nhật Bản.
Không chỉ C.P hay Koyu&Unitek, nhiều doanh nghiệp trong ngành chế biến thịt gia cầm của Việt Nam cũng đáp ứng được yêu cầu này. Ví dụ, Tập đoàn Dabaco có thể rà soát rất cả các khâu sản xuất, đáp ứng được yêu cầu của đối tác về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo thông lệ quốc tế để có thể xuất khẩu sản phẩm của mình.
Tôi tin có rất nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất, chăn nuôi, chế biến gia cầm đủ điều kiện xuất khẩu vào những thị trường khó tính, nhất là trong một điều kiện vô cùng quan trọng là mối nguy về dịch bệnh với gia cầm không nhiều.
Một trong những điều kiện để có thể xuất khẩu được sản phẩm là phải xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh. Hiện nay, chúng ta đã xây dựng được bao nhiêu vùng đảm bảo đủ các điều kiện an toàn dịch bệnh, thưa ông?
- Một trong những nỗ lực lớn nhất của ngành thú y trong thời gian qua là xây dựng và duy trì các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đến nay, cả nước đã có 32 vùng an toàn dịch bệnh, trong đó có 31 vùng cấp huyện và 1 vùng cấp tỉnh. Ngoài ra, còn có 138 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã và 1.662 cơ sở an toàn dịch bệnh cấp trang trại.
Năm 2019, tổng cộng có 221 cơ sở, chuỗi sản xuất và vùng chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.
Theo ông, dự kiến, bao giờ lô thịt gà đầu tiên sẽ được xuất khẩu sang Nga?
- Hiện, điều quan trọng nhất là Cục Thú y hai bên đã thống nhất được mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch, các điều kiện an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm đã được hai bên chấp nhận lẫn nhau. Thời gian tới ngành chức năng Nga sẽ hoàn thiện các thủ tục cho phép doanh nghiệp Việt Nam đưa thịt gà sang.
Cục Thú y đang phối hợp với các doanh nghiệp để hoàn tất các thủ tục để có thể xuất khẩu thịt gà sang Nga, có những doanh nghiệp đã thông báo họ có thể sản xuất được 1 triệu con gia cầm/tuần. Chúng tôi sẽ cố gắng trong thời gian sớm nhất có lô hàng thịt gà đầu tiên được xuất khẩu sang Nga theo tinh thần chỉ đạo của Bộ NNPTNT.
Xin cảm ơn ông!