Nhà đầu tư bày tỏ thái độ bức xúc, chán nản trước cách thức vận hành và hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) thời gian gần đây.
Tình trạng đơ, giật của hệ thống giao dịch trên sàn HoSE đã nói nhiều nhưng không được cải thiện, từ đầu tháng 6 trở lại đây diễn ra trầm trọng hơn. Đỉnh điểm ngày 8/6, điểm số và khối lượng giao dịch gần như đứng im trong suốt phiên giao dịch sáng.
Hiện tượng trên đã tạo ra làn sóng ức chế của các nhà đầu tư trên sàn HoSE.
“Tôi đặt lệnh thì nhận được thông báo là ‘Không tồn tại mã chứng khoán này’. Tôi tiếp tục đặt lệnh và không sửa gì thì lại thông báo ‘Tiền của quý khách không đủ’. Tôi vẫn tiếp tục đặt lệnh không sửa gì thì sau 5 lần mới khớp”, một nhà đầu tư chia sẻ câu chuyện hài hước trên facebook cá nhân.
Đánh giá kém của người dùng trên Goolge về HoSE |
“Ngay từ đầu tuần trước, khi tổng giá trị giao dịch chứng khoán hằng ngày bứt tốc tăng cao, tôi đã liên tục nói mọi người nên giao dịch mua bán trên HNX và tránh xa HoSE rồi. Rồi sau đó là HoSE đóng phiên chiều và tiếp tục là cấm hủy và sửa lệnh. Ai giao dịch trên HoSE chỉ có thiệt thòi”, một nhà đầu tư khác viết trên sàn HOSE bức xúc.
Trong diễn biến liên quan trước đó, ngay đầu phiên giao dịch chiều 1/6, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cũng đã bất ngờ phát đi công văn về việc ngừng giao dịch trên sàn HoSE. Lý do được đưa ra là trong phiên giao dịch sáng 1/6, giá trị giao dịch chứng khoán trên sàn vượt mức 21.700 tỷ đồng, dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn hệ thống.
“Được sự chấp nhận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM công bố ngừng giao dịch ngày 1/6. Giá đóng cửa của chứng khoán ngày 1/6 là giá khớp lệnh cuối cùng trong buổi sáng”, ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM nêu trong văn bản này.
Trước thực trạng trên, ngày 2/6, nhiều công ty chứng khoán cũng đã có thông báo về tình trạng khớp lệnh trả về chậm trên sàn HoSE và khuyến cáo nhà đầu tư hạn chế sửa/hủy lệnh trong quá trình giao dịch.
Thông báo dừng tính năng sửa lệnh trên sàn HoSE của một công ty chứng khoán |
Làn sóng bức xức tiếp tục lan mạnh, nhiều nhà đầu tư trên các diễn đàn còn truy vấn trách nhiệm của lãnh đạo HoSE khi để xảy ra tình trạng trên. Thậm chí đặt câu hỏi bao giờ lãnh đạo của sàn này sẽ từ chức.
Trong hơn 1.000 đánh giá về trụ sở HoSE được hệ thống định vị vị trí của Google lưu lại, điểm trung bình của các đánh giá đang là 1,1 sao. Tiêu chí đánh giá đối với HoSE là chất lượng, giá trị, khả năng phản hồi nhanh, tính chuyên nghiệp đều được cho là kém.
“Thất vọng. Bảng giá đơ và lag, hiển thị không đúng chỉ số thực tế. Không cho sửa và huỷ lệnh. Bịt mắt nhà đầu tư nhỏ lẻ. Khi bị lên án, lập tức hệ thống chạy trơn tru, không một lời xin lỗi, không một ai chịu trách nhiệm. Dù thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở một mức giá hấp dẫn nhưng các nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng không chút tiếc nuối. Vì đâu?”, Lê Tuyết - người đánh giá 1 sao, đặt câu hỏi.
Tình trạng của HoSE mấy tháng nay được đại diện sàn này giải thích là quá tải. Khi quá tải, hệ thống sẽ phải tính toán khối lượng dữ liệu lớn, ảnh hưởng đến năng lực tính toán của hệ thống, do đó dẫn đến hiện tượng thông tin hiển thị chậm.
Phản bác lại lý do trên, nhiều nhà đầu tư cho rằng, chúng ta nói nhiều về cách mạng 4.0, kỳ thực giao dịch chứng khoán cần phải hết sức minh bạch thì lại đang rơi vào cảnh “tù mù”, trong khi thực tế sàn HoSE đã hình thành và phát triển được hơn 20 năm.
Bên cạnh đó, việc không cho sửa/huỷ lệnh đã và đang khiến nhà nước thất thu, nhà đầu tư thua thiệt đủ đường, công ty chứng khoán đứng ngồi không yên, các quỹ cũng rủi ro không ít.
“Không hiểu thanh tra của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước ở đâu, phải có biện pháp gì đi chứ, cứ để thị trường giao dịch theo kiểu ‘thầy bói xem voi’ thể này mãi hay sao”, một nhà đầu tư bức xúc lên tiếng.
Sàn HoSE bắt đầu có hiện tượng quá tải vào giữa tháng 12/2020, khi thanh khoản chạm ngưỡng 15.000 tỷ đồng, thanh khoản bình quân mỗi phiên của tháng 12 là khoảng 12.700 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2021, giao dịch bình quân mỗi phiên lên đến 16.700 tỷ đồng và riêng tháng 05/2021, con số này là 22.400 tỷ đồng/phiên, tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với bình quân của tháng 12/2020, giai đoạn nghẽn lệnh bắt đầu xảy ra. Đỉnh điểm trong ngày 01/06, giá trị giao dịch trên HoSE vượt 21.700 tỷ đồng - đây là con số kỷ lục của một phiên giao dịch buổi sáng. |
Quảng Định