6 năm nay, bà Ngô Thị Mai ở trong căn hộ chung cư 22 Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tòa nhà cao 11 tầng, chia thành 130 căn hộ. Căn của bà Mai hơn 50m2, mua hơn 1 tỷ đồng. Giấy tờ duy nhất là văn bản thỏa thuận mua bán căn hộ với chủ đầu tư. Chủ đầu tư hứa hẹn cứ ở rồi sẽ được làm sổ hồng cho từng căn hộ nhưng 6 năm rồi vẫn chưa làm được bởi công trình xây vượt 2 tầng theo giấy phép.
Tại ngõ 160 Lương Thế Vinh, quận Thanh Xuân, nhiều chung cư mini mọc lên trong ngõ nhỏ và sâu này. Căn 6 tầng, 1 tum, diện tích hơn 50m2, theo cảnh sát khu vực, cao điểm có 32-35 người cùng ở trong căn chung cư mini này, tức mật độ cao gấp 7-8 so với nhà ở thông thường. Có những căn diện tích chỉ trăm mét vuông nhưng lên đến cả trăm người ở.
Tháng trước, vụ hỏa hoạn tại một chung cư mini ở quận Cầu Giấy là lời cảnh báo. 11 người thoát chết trong gang tấc khi rất may mắn có một nhà cao tầng bên cạnh để lực lượng cứu hộ trèo lên cắt rào sắt mở được một lối thoát hiểm. Hầu hết các chung cư mini, khu vực để xe đều không có hệ thống báo cháy tự động và không có lối thoát hiểm thứ 2.
Nhiều phiền toái và bất an nhưng chung cư mini vẫn rất đắt hàng, gõ cụm từ: Mua bán chung cư mini, chỉ nửa giây cho ra 8 triệu kết quả.
Theo Sở Xây dựng TP Hà Nội, chưa có thống kê nào về số lượng các chung cư mini trên địa bàn. Các căn hộ này thường ban đầu xin cấp phép xây dựng là nhà ở riêng lẻ nhưng sau đó chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng, ngăn chia thành các phòng khép kín cho thuê hoặc bán. Về mặt pháp lý, cũng chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào định nghĩa rõ về cụm từ này cũng như loại hình nhà này.
Năm 2020, Bộ Xây dựng đã có công văn đề nghị các địa phương siết chặt quản lý nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ. Trong đó nêu ra những hệ lụy như: nguy cơ cháy nổ cao, gia tăng mật độ dân số gây ách tắc giao thông, không đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị… Thế nhưng, khi chưa có một chế tài cũng như quy định cụ thể, việc quản lý vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều chung cư mini mới vẫn tiếp tục mọc lên.