Trao đổi với BizLIVE, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng Việt Nam cho rằng sau năm điều chỉnh giảm mạnh 2018, thị trường chứng khoán Việt năm 2019 là một năm đối mặt với nhiều thách thức.
Nhìn lại thị trường chứng khoán 2018, ông có đánh giá gì về mức điều chỉnh giảm hơn 9,3% của VN-Index ?
TTCK Việt năm 2018 giảm hơn 9%, nguyên nhân chủ yếu là yếu tố nước ngoài nhiều, yếu tố trong nước ít. Năm nay thị trường bị ảnh hưởng bởi yếu tố nước ngoài mà bản thân các nhà đầu tư cũng quan tâm tới yếu tố nước ngoài nhiều hơn. Người dân thì quan tâm tới chiến tranh thương mại còn nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư lớn họ quan tâm tới chiến tranh tiền tệ.
Tiền tệ ở đây là nói chung xu hướng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu, trong đó Mỹ là đầu tiên, từ cuối 2015 với tốc độ nhẹ, bắt đầu tăng dần vào 2017 và mạnh vào 2018. Đồng tiền trên thế giới đặc biệt USD là đồng tiền được sử dụng cho thanh toán thương mại quốc tế nhiều nhất, và ngân hàng TW các nước khác bởi vì Mỹ tăng lãi suất USD lên sẽ làm cho các đồng tiền khác giảm vì vậy họ cũng phải nâng lãi suất của chính mình lên nếu không đồng tiền họ giảm nhiều. Nguyên tắc thì đồng tiền yếu họ sẽ có lợi trong cán cân thương mại nhưng yếu vừa chứ yếu quá cũng không ổn.
Vấn đề nữa là việc khủng hoảng 10 năm trước in tiền quá nhiều. Tính hết tháng 8/2018, tổng nợ thế giới 250.000 tỷ USD, lớn gần gấp đôi tiền nợ của 10 năm trước. Nhưng nếu tính tốc độ bơm tiền của 3 ngân hàng TW lớn nhất thế giới gồm Mỹ, châu Âu và Nhật theo tôi thấy là gấp 3,4 lần cách đây 10 năm.
Nhưng vấn đề là hiệu quả bơm tiền vào nền kinh tế thấp bởi vì xét về mức độ tăng trưởng thì ngoài Mỹ tăng trưởng hơn trước khủng hoảng 2008 còn kinh tế nói chung đều suy giảm. Đặc biệt Trung Quốc đánh dấu năm nay tăng trưởng chậm nhất trong 10 năm. Việc bơm tiền nhiều nhưng hiệu quả tăng trưởng kinh tế lại thấp, tỷ lệ thất nghiệp so với 10 năm tăng thêm 25 triệu người, ngoại trừ Mỹ.
Cục tiền đó cho kinh tế tăng trưởng được thì ít nhưng giúp cho 2 cái tăng mạnh là chứng khoán và giá nhà đất khi đó việc thắt chặt tiền, thị trường tài chính bị ảnh hưởng ngay lập tức. Bên cạnh đó chiến tranh thương mại khiến Trung Quốc cố gắng sử dụng chính sách tiền tệ để điều chỉnh tỷ giá giữa USD và Nhân dân tệ để hỗ trợ nền kinh tế đỡ bị ảnh hưởng, theo đó ảnh hưởng tới dòng tiền trên toàn cầu.
Đó là 2 lý do chính làm cho thị trường giảm mạnh, bởi dòng tiền bị hút mạnh trên toàn thế giới.
Nhưng trên thị trường Việt, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng mạnh?
Khối ngoại mua ròng là tính cả giao dịch thỏa thuận, nếu chỉ tính riêng khớp lệnh thì khối này có năm bán ròng mạnh nhất trong lịch sử. Trong khi đó, giao dịch khớp lệnh mới ảnh hưởng tới giá vì đó là giao dịch trực tiếp trên thị trường còn giao dịch thỏa thuận là giao dịch ở ngoài, chủ yếu tác động về mặt tâm lý tới nhà đầu tư trên sàn, nghĩa là mang yếu tố gián tiếp nhiều hơn.
Họ mua ròng nhưng cần lưu ý việc mua ròng này chỉ tập trung chủ yếu ở một số mã chứ không giống như những năm trước. Và mục tiêu mua ròng ở đây tôi thấy họ có những mục đích cao hơn, ví dụ như vụ của Bia Sài Gòn (mã SAB) nếu tính ra NĐTNN mua SAB ngay đỉnh là bị lỗ, tuy nhiên họ không quan tâm chuyện lời lỗ giá cổ phiếu mà họ tận dụng lợi thế thương mại của SAB, chi nhánh, thương hiệu… chứ không phải mua cổ phiếu và đợi giá lên bán như nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Nên việc mua ròng phải lưu ý thứ nhất tính ở trên sàn chỉ tác động về mặt tâm lý, cái nữa là tập trung ở một vài mã cổ phiếu nhất định là những doanh nghiệp đầu ngành chứ không phải nhiều như năm trước. Nhìn tổng thể là tin tốt nhưng phân tích kỹ ra thì thấy nó cũng tốt nhưng không tốt như mình nghĩ. Bởi dòng tiền ảnh hưởng trực tiếp trên sàn là dòng tiền bị âm vì NĐTNN bán ròng.
Ông có nhận định gì về thị trường chứng khoán 2019?
2018 là năm có nhiều mã lên sàn, nhất là ở nửa đầu năm. Tính về khối lượng giao dịch, giai đoạn quý I đặc biệt tháng 1/2018 có KLGD nhiều nhất lịch sử 18 năm của thị trường. Hàng hóa tăng lên mạnh nhưng thanh khoản nửa cuối năm lại giảm. Nghĩa là dòng tiền không có, sụt giảm ngay lập tức ảnh hưởng tới thị trường. Có tiền thì giá sẽ lên và không có tiền vào thị trường giảm.
Nếu dòng tiền không có gì thay đổi trong năm 2019, tôi nghĩ thị trường sẽ theo hướng tiêu cực nhiều hơn. Trong trường hợp tốt nhất, thị trường chỉ mang tích lũy đi ngang nhiều hơn với những con sóng nhỏ chứ khó có sóng lớn như năm 2018. VN-Index mà tăng sẽ tập trung vô cổ phiếu đứng đầu thị trường, khiến chỉ số tăng.
Tuy nhiên VN-Index của HoSE vẫn còn sáng hơn hai sàn còn lại. Nhìn chỉ số HNX-Index, năm 2005 chỉ số này ra mắt với khởi điểm là 100 điểm. Chốt phiên cuối năm 2018 là 104,23 điểm, nghĩa là sau 13 năm chỉ số sàn HNX chỉ tăng có hơn 4 điểm. Chưa hết, chỉ số sàn UPCoM có mức điểm 100 điểm năm 2009, và kết năm 2018 là 52,83 điểm, tức sau 10 năm giảm gần một nửa điểm số.
2019 là năm thử thách, sẽ phụ thuộc không chỉ riêng Việt Nam mà còn thế giới bởi hiện nay chúng ta bị tác động bởi thế giới là quá lớn. Thế giới mặc dù có nhiều dự báo tích cực FED sẽ không tăng lãi suất nữa hay là tăng ít hơn 2018. Tuy nhiên, dù tăng hay không nhưng vẫn có điểm chung, nếu không tăng thì chính sách của FED vẫn là thắt chặt tiền tệ, có nghĩa là không tăng lãi suất chứ không giảm lãi suất.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đòi cách chức Chủ tịch FED nhưng chuyện đó có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, bởi trước giờ thị trường tài chính và nhà đầu tư luôn coi FED là cơ quan độc lập, nghĩa là họ quyết định những gì có lợi cho nền kinh tế chứ không nghe theo ý kiến chủ quan của chính trị gia nào đó. Nên nếu làm theo ý kiến của ông Trump thì người ta còn bán mạnh hơn nữa vì họ cảm thấy 1 cơ quan độc lập lại bị tác động bởi chính trị gia.
Hết ngày 29/12, Ngân hàng TW châu Âu chấm dứt toàn bộ gói kích cầu kinh tế trong 5 năm qua. Số lượng tiền bơm 5 năm qua hơn 2.600 tỷ USD, tức gần 3.000 tỷ USD. Ngân hàng này có báo cáo cho rằng, trong 5 năm qua kinh tế châu Âu cải thiện rất chậm và ít. Tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp hiện là 40%. Ở đây nghĩa là chính sách thắt chặt trên toàn cầu. Nếu chuyện này không thay đổi trong 2019 thì tôi nghĩ thị trường tài chính sẽ còn rất khó khăn.
Ông có lưu ý gì cho nhà đầu tư trong năm mới?
Tôi cho rằng sẽ có 2 kịch bản. Nếu dòng tiền quay trở lại thì nhà đầu tư nên tập trung vào những bluechip, những cổ phiếu doanh nghiệp đầu ngành, dẫn dắt thị trường. Tuy nhiên giả sử dòng tiền y chang, thậm chí tệ hơn 2018, cổ phiếu midcap và penny sẽ được hưởng lợi và tập trung ở chứng khoán phái sinh. Tôi nghĩ kịch bản 1 khó diễn ra.
Tôi dự báo VN-Index năm tới sẽ có một vài sóng phục hồi tương đối khá. Tuy nhiên ngay cả ở sóng phục hồi thì nhà đầu tư cũng nên mua trong ngắn hạn. Trường hợp tốt nhất VN-Index có thể lên 1.100 điểm, xấu nhất sẽ về 600 điểm.
Cảm ơn ông!