Tính đến cuối quý 2/2018, Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và Chứng khoán Bản Việt (VCSC-VCI) là 2 công ty chứng khoán có danh mục tự doanh lớn nhất đạt lần lượt là 3.100 tỷ đồng và 2.850 tỷ đồng, bỏ xa các công ty chứng khoán còn lại.
Con số này bao gồm Tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ - FVTPL cùng Tài sản tài chính sẵn sàng để bán - AFS, không bao gồm Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn vốn chủ yếu là các khoản tiền gửi ngắn hạn.
Theo chế độ kế toán mới ban hành trong năm 2017, các tài sản tài chính FVTPL được ghi nhận theo giá trị thị trường và hạch toán chênh lệch so với giá vốn là lợi nhuận (lỗ) đầu tư. Trong khi đó các tài sản tài chính AFS cũng được ghi nhận theo giá thị trường nhưng hạch toán chênh lệch vào vốn chủ sở hữu trên BCTC trong khoản mục "chênh lệch đánh giá tài sản theo giá trị hợp lý".
Việc phân loại một khoản đầu tư là TSTC FVTPL hay AFS là khá chủ quan. Thông thường, danh mục tài sản AFS là nguồn chính cho các khoản lợi nhuận tiềm ẩn nhờ các khoản lãi/lỗ chưa thực hiện từ chênh lệch đánh giá tài sản AFS có thể chuyển sang danh mục TSTC FVPTL và khi đó được hạch toán là doanh thu hoạt động. Hoặc công ty chứng khoán có thể hạch toán ngược lại nếu muốn giữ lại lợi nhuận cho giai đoạn hoạt động khó khăn hơn.
Chính vì thế, khoản lợi nhuận tạm tính của tài sản AFS thường được xem như nguồn dự trữ có thể hạch toán thành lợi nhuận trong tương lai. Với cả VCSC và SSI thì nguồn dự trữ này đều khá "dồi dào" với nhiều khoản đầu tư có giá vốn rất thấp.
Với VCSC, giá trị thị trường đang ghi nhận là 2.477 tỷ đồng nhưng giá vốn đầu tư chỉ có 1.647 tỷ đồng - tức chênh lệch tăng 830 tỷ đồng.
Danh mục AFS của VCSC tại thời điểm 30/6
Khoản đầu tư lãi lớn nhất của VCSC là vào cổ phiếu Techcombank. Tại thời điểm 30/6, giá trị thị trường của khoản đầu tư này là 576 tỷ đồng - tương ứng 18,85 triệu cổ phiếu sau chia thưởng - tạm lãi 396 tỷ đồng do giá vốn đầu tư chỉ có 180 tỷ đồng.
Như vậy, giá vốn đầu tư cổ phiếu TCB của VCSC chỉ chưa đến 9.600 đồng/cp trong khi thị giá hiện tại là 26.000 đồng.
Tương tự, VCSC cũng tạm lãi 235 tỷ đồng với cổ phiếu Thế giới Di động (MWG), 167 tỷ đồng với cổ phiếu VPBank, 97 tỷ đồng với cổ phiếu Masan Group. VCSC là đơn vị tư vấn niêm yết cho cả Techcombank và VPBank nên có thể đã được ưu đãi mua cổ phiếu với giá thấp.
Xét về tỷ suất lợi nhuận, MWG là khoản đầu tư thành công nhất khi chỉ với 51 tỷ đồng đầu tư ban đầu - tương ứng giá vốn chỉ 20.000 đồng/cp - hiện đã tăng lên 286 tỷ đồng, tăng 460%.
Tuy nhiên, khoản đầu tư có giá vốn lớn nhất của VCSC là vào cổ phiếu DIG đang tạm lỗ khi cổ phiếu này giảm mạnh trong thời gian gần đây. Khoản đầu tư vào Thép Nam Kim và PV Power cũng đang lỗ.
Giá vốn đầu tư của VCSC vào MWG là 20.000 đồng/cp - tương đương mức giá khi cổ phiếu này mới niêm yết cách đây 4 năm
Về SSI, danh mục tài sản tài chính của công ty chứng khoán này tại thời điểm 30/6 có giá trị hợp lý 1.487 tỷ đồng trên giá vốn 926 tỷ đồng, tạm lãi 561 tỷ đồng. Đóng góp chủ yếu là cổ phiếu SGN của CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS) khi tăng từ 188 tỷ lên 557 tỷ đồng. SSI đầu tư vào SAGS khi doanh nghiệp này tiến hành IPO trong năm 2015.
Các cổ phiếu lãi lớn khác gồm có Dược phẩm OPC, Đông Hải Bến Tre (DHC) và Transimex Saigon (TMS).
Danh mục AFS của SSI tại thời điểm 30/6