Đêm 11/3 (theo giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố đại dịch toàn cầu Covid-19. Thông tin này khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ.
"Bốc hơi" gần 24 tỷ USD
Thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch 12/3, chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 42,1 điểm (-5,19%) xuống 769,25 điểm, chính thức xuyên thủng mốc hỗ trợ tâm lý 800 điểm.
Phiên giảm sâu này tiếp tục "thổi bay" hơn 173.500 tỷ đồng (7,5 tỷ USD) vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam (bao gồm 3 sàn HoSE, HNX và UpCom).
Tổng cộng, trong 4 phiên trở lại đây, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã "bốc hơi" 552.000 tỷ đồng (tương đương 23,8 tỷ USD) vì dịch Covid-19.
Trước diễn biến của thị trường chứng khoán và tâm lý của nhà đầu tư, Chủ tịch UBCK Nhà nước Trần Văn Dũng, nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam suy giảm mạnh nằm trong bối cảnh suy giảm chung của thị trường chứng khoán khu vực và quốc tế.
Cụ thể, dịch Covid-19 đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ cũng giảm điểm: chỉ số Dow Jones giảm 5,86%; chỉ số S&P500 giảm 4,89%; chỉ số Nasdaq Composite giảm 4,7% vào ngày 11/3.
Ngày 12/3, các thị trường chứng khoán châu Á cũng đồng loạt giảm sâu, trong đó thị trường chứng khoán Thái Lan giảm mạnh nhất (-10%), Nhật Bản giảm 4,41%; Hồng Kông giảm 4,25%; Trung Quốc giảm 1,52%; Hàn Quốc giảm 3,87%; Singapore giảm 3,34%; Malaysia giảm 1,23%; Indonesia giảm 4,12%...
Tuy nhiên, theo ông Dũng, điểm đáng quan tâm trên thị trường chứng khoán Việt Nam là thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tiếp tục đạt mức cao. Sáng 12/3 có 6.385 tỷ đồng được chuyển nhượng trên 3 sàn cổ phiếu.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 438 tỷ đồng trên sàn cổ phiếu, nhưng đã mua ròng phiên thứ 3 liên tiếp trên thị trường trái phiếu.
Trên thị trường trái phiếu, thanh khoản cao gấp gần 100% so với bình quân/phiên của năm 2019, đạt 17.895 tỷ đồng.
Ông Dũng cho rằng, thị trường chứng khoán giữ được thanh khoản tốt cho thấy, bên cạnh tâm lý bán tháo của một bộ phận nhà đầu tư, vẫn có một lượng cầu ổn định, vững vàng mua vào cổ phiếu. Hiện VN-Index đang ở mức thấp nhất kể từ cuối tháng 8/2017 và một số quỹ ngoại như PYN Elite đã công khai sẽ mua vào cổ phiếu Việt Nam do sức hấp dẫn đến từ mức định giá rẻ.
Được biết, sau nhiều trăn trở, cách hỗ trợ doanh nghiệp chống lại đà suy giảm kinh tế từ dịch Covid-19 đã được Chính phủ cụ thể hoá bằng việc tung ra gói hỗ trợ kép, đó là gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỷ đồng.
Khác với nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện việc giảm lãi suất trung tâm để làm cho các loại lãi suất khác đều giảm theo, hai gói hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam về cơ bản có tác dụng san sẻ rủi ro giữa các thành phần kinh tế, thay vì bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
"Chúng tôi mong rằng, các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư cần vững tin vào nội lực của nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành, cũng như sức bền của TTCK Việt Nam nhằm góp phần hỗ trợ thị trường lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt là tránh những phiên bán tháo không cần thiết", ông Dũng chia sẻ.
Cũng theo ông Dũng, trong phạm vi thẩm quyền, UBCK sẽ báo cáo Bộ Tài chính một số giải pháp góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành chứng khoán và cho nhà đầu tư, trong đó có giải pháp cắt giảm một số loại giá dịch vụ chứng khoán và nới lỏng một số quy định về giao dịch ký quỹ (margin) áp dụng cho giai đoạn trước mắt.
Chủ tịch UBCK nói gì về hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp
Trước tình trạng nhiều cổ phiếu rơi về vùng giá thấp, lãnh đạo một số doanh nghiệp và người có liên quan đã công bố nhu cầu mua vào cổ phiếu.
Chẳn hạn như tại CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), con trai Chủ tịch là ông Trần Vũ Minh đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu HPG qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận, thời gian từ ngày 17/3 đến 16/4/2020.
Hay như ông Đào Trung Kiên, Giám đốc khối của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ – HoSE), thông báo sẽ mua vào 50.000 cổ phiếu PNJ từ ngày 17/3 đến 15/4, trong bối cảnh giá cổ phiếu PNJ đang giảm sâu trên thị trường.
Cùng với đó, một số doanh nghiệp niêm yết đang có nhu cầu mua vào cổ phiếu của chính mình làm cổ phiếu quỹ. Pan của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI là một trường hợp điển hình. Theo đó, doanh nghiệp này sẽ mua lại tối đa 21,6 triệu cổ phiếu quỹ, tương 10% số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Về phía UBCK, Chủ tịch UBCK khẳng định, cơ quan này sẽ xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp trong vòng 1 ngày, thay vì xử lý trong vòng 7 ngày như quy định tại Thông tư 162/2015/TT-BTC.
"Các doanh nghiệp có nhu cầu mua cổ phiếu quỹ cần làm đúng hồ sơ pháp lý theo Thông tư 162. Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tối đa, hoàn tất thủ tục chấp thuận cho doanh nghiệp trong vòng 1 ngày", ông Dũng nói.