Trong báo cáo mới công bố, CTCK BIDV (BSC) đánh giá, tình trạng tiêm phòng vaccine Covid-19 khả quan đã tạo nên điều kiện thuận lợi cho xu hướng hồi phục của kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, riêng tại Việt Nam, các biện pháp giãn cách theo chỉ thị 16 duy trì tại nhiều tỉnh phía Nam, cùng thủ đô Hà Nội đã và đang tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
BSC điều chỉnh giảm triển vọng GDP xuống 6,08%. Bên cạnh đó, với kịch bản tiêu cực khi dịch bệnh kéo dài hơn dự kiến, tăng trưởng GDP ước đạt mức 5,29%, thậm chí dự phóng GDP chỉ tăng 4,85% trong kịch bản rất tiêu cực.
Thương mại chỉ tăng 3,2% còn dịch vụ giảm 4,2% trong 7 tháng đầu năm 2021 do các biện pháp giãn cách. Lĩnh vực sản xuất cũng tiếp tục chịu tác động tiêu cực khi việc các thành viên của chuỗi cung ứng không hoạt động hết công suất. Chỉ số sản xuất cuối tháng 7 chỉ đạt 7.9% so với cùng kỳ, PMI giữ mức thấp 45,1 điểm trong tháng 7.
Dưới bối cảnh lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng yếu kém như vậy, giải ngân tiếp tục đóng vai trụ cột trong việc giữ vững triển vọng tăng trưởng, ước đạt 466.700 tỷ VND. Với điều kiện tích cực hơn nữa, BSC ước giải ngân sẽ đạt 513.200 tỷ VND.
Tình trạng nhập siêu vẫn tiếp diễn do nhóm máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng tiếp tục tăng. Đồng thời, tình trạng giãn cách khiến quá trình lắp ráp vẫn chuyển các mẫu điện thoại Samsung chậm lại, từ đó giảm lượng xuất khẩu. BSC điều chỉnh dự báo xuất khẩu lên mức 23,7% so với cùng kỳ trong khi nhập khẩu tăng 30,2% so với cùng kỳ vào năm 2021 do tăng trưởng xuất nhập khẩu vẫn duy trì được mức cao bất chấp tình trạng giãn cách trong nước.
VN-Index hướng tới đỉnh ngắn hạn 1.420 điểm trong kịch bản tích cực
Về biến động TTCK quý 3/2021, BSC đưa ra kịch bản đầu tiên với xác suất 60% cho rằng VN-Index duy trì hồi phục từ đáy ngắn hạn 1.243 điểm, tích lũy quanh 1.350 điểm và kiểm tra lại đỉnh ngắn hạn 1.420 điểm. Kỳ vọng kiểm soát dịch bệnh sớm trong tháng 8, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế và khối ngoại quay lại mua ròng là những yếu tố sẽ nâng đỡ thị trường.
Tại kịch bản được đánh giá thấp hơn (40%), VN-Index sẽ tiếp tục điều chỉnh sau nhịp hồi phục nhưng không giảm dưới 1.270 và sau đó duy trì xu hướng tăng điểm. Vận động giá xoay quanh 1.320 điểm vào cuối tháng nếu khả năng kiểm soát dịch bệnh không thuận lợi và khối ngoại không duy trì đà mua ròng như trong tháng 6.
Trong tháng 7, P/E đã giảm mạnh từ 19,2 xuống 16,5 lần (-14%), tương đương với mức P/E bình quân 5 năm (16,52 lần) đồng thời thấp so với khu vực châu Á. BSC dự báo P/E VN-Index tăng lên mức 17,5 lần trong tháng 8.
Với kịch bản VN-Index đạt 1.350 – 1.400 điểm vào cuối tháng 7, dự báo vốn hóa thị trường sẽ tăng khoảng 2 - 3%.
Về chiến lược đầu tư, BSC khuyến nghị NĐT có thể cân nhắc tăng tỷ trọng các cổ phiếu thuộc nhóm tiện ích (điện, nước, điện thoại, viễn thông, ....), nhóm bán lẻ thực phẩm, công nghệ thông tin – Bưu chính viễn thông. Đây là những nhóm ngành không bị ảnh hưởng mà còn hưởng lợi từ các biện pháp giãn cách xã hội và có tiềm năng tiếp tục hồi phục.
Bên cạnh đó, xuất phát từ nhu cầu thế giới hồi phục, cổ phiếu xuất khẩu và logistics sẽ được hưởng lợi.