Khởi đầu sóng gió
Dù phiên giao dịch ngày 2/1 chưa kết thúc nhưng Hang Seng Index đã phải hứng chịu những mức sụt giảm kéo dài. Tính tới lúc 14h27 theo giờ Hà Nội, Hang Seng Index đã mất hơn 800 điểm, tương đương hơn 3%. Đà trượt giảm bắt đầu ngay từ đầu phiên giao dịch và kéo dài suốt phiên giao dịch đầu tiên của năm mới.
Nikkei 225 cũng lâm vào tình trạng sụt giảm sâu khi mất tới hơn 500 điểm, tụt xuống còn 19.495 điểm vào lúc 14h32 theo giờ Hà Nội. Kospi của Hàn Quốc cũng hứng chịu mức giảm với 31,04 điểm, tương đương 1,52%.
Shanghai Composite Index cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi mất 28,61 điểm, tương đương 1,15% trong phiên giao dịch đầu năm mới. FTSE Straits Times Index của Singapore thì giảm 31,56 điểm, tương đương 1,04%.
Không chỉ riêng chứng khoán châu Á, các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ cũng đang bị bao trùm bởi một màu đỏ. Dow Jones Fututes đã mất 250 điểm, tương đương 1,09% xuống còn 23.013 điểm. Trong khi đó, S&P 500 Futures cũng đã giảm 29,13 điểm, tương đương 1,17%. Nasdaq Futures sụt giảm 78,75%, tụt 1,03%.
Ngược lại với với các chỉ số chứng khoán, S&P 500 VIX futures lại tăng 1 điểm, tương đương 4,12%.
Chứng khoán 2019 sẽ bùng nổ?
Nhiều chuyên gia thị trường dự báo năm 2019 sẽ là năm bùng nổ với chứng khoán toàn cầu, miễn là hai nỗi sợ lớn nhất được giải quyết là chính sách lãi suất của FED và cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngoài ra, cú bán tháo trong quý IV/2018 đã khiến các cổ phiếu của Mỹ có giá rẻ hơn, điều nhiều người nhận định là đáy của thị trường.
Jonathan Golub, chiến lược gia trưởng của Credit Suisse về chứng khoán Mỹ, nhấn mạnh: "Tôi nghĩ đáy đã ở quanh đây. Đó cũng là cơ hội tốt để bạn có thể xuống tiền và đón đầu sóng tăng trưởng". Ngoài ra, mức P/E cũng đã tụt xuống mức khá thấp sau những cuộc bán tháo cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, FED vẫn thể hiện quyết tâm tăng lãi suất. Trong lần tăng lãi suất lần thứ 4 hồi cuối năm ngoái, Ngân hàng trung ương này sẽ không thay đổi chính sách hiện tại là cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán, tức là tiếp tục bán ra tài sản, bất chấp những lo ngại gia tăng về các điều kiện tài chính thắt chặt gây áp lực lên thị trường tài chính. Tuy nhiên, năm 2019 cũng là năm FED có thể hoàn thành việc tăng lãi suất.
Với tương lai cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, không ít người tỏ ra hoài nghi về việc thỏa thuận sẽ đạt được trong đúng thời hạn 3 tháng để các biện pháp thuế quan không leo thang. Các nhà kinh tế của Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng xuống 2% cho nửa đầu năm nay và lưu ý rằng mức thuế cao hơn hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Tuy nhiên, một cuộc chiến thương mại toàn diện chắc chắc sẽ không có lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc và hai nước sẽ phải tìm giải pháp cho vấn đề.