Chỉ số chứng khoán MSCI Châu Á - Thái Bình Dương tuần này giảm 3,2%, và tính từ đầu tháng 5 đến nay mất 2,7%, có nguy cơ kết quả của tháng 5 sẽ tệ nhất kể từ tháng 3/2020 – khi các thị trường tài chính bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong lịch sử do đại dịch Covid-19 bùng phát.
Tháng 5 thường là tháng chứng khoán Châu Á hoạt động kém nhất
Đáng chú ý, chứng khoán Châu Á giảm trong khi chứng khoán thế giới tiếp tục tăng tháng 4 liên tiếp.
Vậy lý do vì sao?
Trong khi lạm phát đang trở thành mối quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư cổ phiếu trên toàn thế giới thì niềm tin ở Châu Á còn bị ảnh hưởng hơn nữa bởi đợt tái bùng phát Covid-19 ngày càng tệ ở khắp nơi, từ Đài Loan đến Singapore… Các nhà phân tích cho biết, thu nhập ở khắp Châu Á đang chậm lại.
Banny Lam, Giám đốc phụ trách mảng nghiên cứu của CEB International Inv Corp cho biết: "Tâm lý hiện tại chắc chắn là không tích cực. Chứng khoán châu Á đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát ở Mỹ. Mọi người đang rất lo lắng về việc Mỹ sẽ giảm kích thích kinh tế sớm hơn dự đoán".
Tình trạng báo tháo đã xuất hiện, với phiên thứ Tư (12/5) là phiên bán tháo mạnh nhất trong tuần này, sau khi Mỹ công bố giá tiêu dùng trong tháng 4 cao nhất kể từ tháng 4/2009.
Chỉ số MSCI Châu Á – Thái Bình Dương phiên thứ Năm (13/5) đã mất 1,8%.
Chứng khoán Châu Á 4 tháng liên tiếp gần đây hoạt động kém hơn chứng khoán thế giới
Covid-19 vẫn là một “điều nhức nhối” khác với các nhà đầu tư Châu Á. Singapore là một trong những thị trường hoạt động sôi động nhất từ đầu năm đến nay nhưng cũng phải chứng khiến chứng khoán của mình giảm tới 3,2% trong phiên 14/5, mức giảm nhiều nhất trong khu vực, khi có thông tin sẽ tái phong tỏa như năm ngoái trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng quá nhanh.
Ấn Độ, Nhật Bản và các khu vực khác ở Đông Nam Á cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng mới về số ca bệnh và buộc phải thắt chặt các quy định hạn chế để chống dịch bệnh, trong bối cảnh việc triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 vẫn tương đối chậm, và việc một số nơi mở cửa trở lại gây lo sợ đại dịch sẽ vượt tầm kiểm soát.
Mark Matthews, trưởng nhóm nghiên cứu về châu Á của Bank Julius Baer & Co., cho biết: "Bạn phải có một chương trình tiêm chủng mạnh mẽ mới có thể mở cửa và hòa nhập lại với phần còn lại của thế giới mà vẫn an toàn trong đại dịch, nhưng hiện chưa có các chương trình tiêm chủng quy mô lớn (ở Châu Á)".
Đã từng dẫn đầu mức tăng trưởng trên thế giới về vốn hóa trong năm 2020, nhưng nay Châu Á đang bị tụt lại và kém xa so với các thị trường chứng khoán Mỹ và Châu Âu. Trong khi chỉ số chứng khoán Châu Á từ đầu năm 2021 đến nay chỉ thay đổi nhẹ thì chỉ số S&P 500 và chỉ số Stoxx 600 đều tăng khoảng 11%.
Tính thời vụ dường như cũng là một trong những nguyên nhân gây ra việc bán tháo gần đây. Các tháng 5 trong lịch sử thường là tháng hoạt động kém nhất của Chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương, với mức giảm trung bình 2% trong 10 năm qua, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
Lợi nhuận trong lạm phát
Mặc dù các công ty trên khắp châu Á đã được hưởng lợi sớm hơn các công ty phương Tây trong đợt dịch đầu năm 2020, nhưng mức tăng đó đã dừng lại. Số liệu của Bloomberg cho thấy chỉ số chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương 12 tháng qua tăng 11%, trong khi của Mỹ tăng 17%.
Doanh thu chứng khoán Châu Á tăng chậm hơn so với chứng khoán Mỹ
Theo Tomo Kinoshita, chiến lược gia thị trường toàn cầu thuộc công ty Invesco Asset Management ở Tokyo, lo ngại về lạm phát có thể gia tăng trong vài tháng tới khi nhu cầu dịch vụ ở Mỹ tăng nhanh trong mùa Hè. Ông nói: "Khi đà tăng lạm phát chậm lại, thị trường có thể bình tĩnh trở lại".
Yếu tố Trung Quốc
Tai Hui, chiến lược gia thị trường châu Á thuộc JPMorgan Asset Management chỉ ra mối tương quan thấp giữa chứng khoán Trung Quốc và toàn cầu.
"Sự liên kết lỏng lẻo của thị trường nội địa Trung Quốc với thị trường chứng khoán quốc tế có thể là một điều bất lợi trong bối cảnh thị trường đầy biến động như hiện nay", ông Hui viết trong một email.
Chứng khoán của Trung Quốc đã có những dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ sớm hơn so với chứng khoán các nước Châu Á khác. Chỉ số chứng khoán Trung Quốc CSI 300 tuần này tăng 2,3%, vượt trội so với chỉ số chứng khoán của khu vực.
Thước đo mối tương quan trong 30 ngày qua giữa Chỉ số CSI 300 và Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI ACWI đã chuyển sang tiêu cực lần đầu tiên kể từ tháng 10 năm 2019, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
Mối tương quan 30 ngày qua giữa chứng khoán TQ và chứng khoán thế giới chuyển theo hướng giảm
Chứng khoán trong nước vào vùng biến động song vẫn khá lạc quan
VN-Index giao dịch giằng co trong tuần qua khi chỉ số có diễn biến tăng giảm xen kẽ ở các phiên. Dù vậy, triển vọng thị trường vẫn khá lạc quan khi thanh khoản đã được cải thiện.
Các chỉ số thị trường trong nước kết thúc tuần với tín hiệu lạc quan. VN-Index tăng 1,98% đạt mức 1.266,36 điểm; HNX-Index đóng cửa tuần tăng 5.31% dừng tại 294.72 điểm. Thanh khoản trung bình trên cả hai sàn biến động trái chiều trong tuần qua. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 693 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 1,55% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 113 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 2,54%.
Trong quý I/2021, Chỉ số VN Index chuẩn của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng 17%, vượt xa mức tăng của chứng khoán khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và tăng gần gấp đôi mức tăng của Chỉ số S&P 500, theo dữ liệu của Bloomberg. Mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài rút khoảng 842 triệu USD tiền cổ phiếu trên thị trường Việt Nam trong 3 tháng đầu năm nay, song các chuyên gia quốc tế đánh giá tình hình sẽ thay đổi.
Tham khảo: Bloomberg