Chứng khoán đã bớt khó khăn?

23/02/2023 08:48
Khi những vấn đề của bất động sản và trái phiếu được giải quyết sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán

Trong lúc nhà đầu tư còn đang hồ hởi sau phiên tăng mạnh gần 28 điểm vào ngày đầu tuần, dòng tiền lan tỏa mạnh khắp các nhóm ngành thì đến ngày 22-2, họ lại bị "dội gáo nước lạnh" khi thị trường chứng khoán (TTCK) đột ngột lao dốc, đánh mất hết thành quả trước đó. Tuy vậy, các chuyên gia đều có cùng nhận định áp lực giảm này chỉ mang tính ngắn hạn, bởi những gì khó khăn nhất của thị trường đã qua.

Rủi ro chỉ trong ngắn hạn

Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho hay đang có những thông tin tiêu cực cả trên thị trường quốc tế và trong nước cùng tác động xấu đến TTCK trong ngắn hạn. Cụ thể, ở ngoài nước, thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tiếp tục duy trì đà tăng lãi suất ở mức cao và duy trì trong thời gian dài; tình hình căng thẳng xung đột Nga - Ukraine tác động xấu đến chứng khoán quốc tế và Việt Nam.

"Ở trong nước, nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi những thông tin chưa rõ ràng từ chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản, nghị định sửa đổi về phát hành trái phiếu riêng lẻ để gỡ khó cho kênh huy động vốn này, đi cùng một số tin đồn chưa kiểm chứng khiến thị trường bị bán tháo mạnh. Dù các chỉ số hiện chưa thủng kênh tăng giá hình thành từ đáy nhưng vẫn phải theo dõi thêm trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý I/2023 của các doanh nghiệp (DN) niêm yết để có cái nhìn rõ hơn" - phó tổng giám đốc công ty chứng khoán này phân tích.

Chứng khoán đã bớt khó khăn? - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán đã qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng đầu tư cổ phiếu trong bất cứ giai đoạn nào cũng cần phải xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh thua lỗ .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Chuyên gia chứng khoán Phan Dũng Khánh cho rằng chứng khoán giảm điểm mạnh nhưng chưa mất vùng hỗ trợ, dòng tiền tốt nên kỳ vọng thị trường sẽ sớm phục hồi. Tuy nhiên, dù là nhà đầu tư ngắn hạn hay dài hạn cũng nên hạn chế tối đa sử dụng đòn bẩy tài chính (margin) trong bối cảnh vẫn ở mức cao như hiện nay.

Điểm tích cực trong giai đoạn này là thanh khoản đã cải thiện so với vài tuần trước. Cụ thể, 3 phiên giao dịch đầu tuần đều đạt từ 12.700 - 15.000 tỉ đồng mỗi phiên, trong khi giao dịch trung bình những tuần trước đạt chưa tới 10.000 tỉ đồng/phiên.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á (DAS), dòng tiền này có thể đến từ việc các công ty chứng khoán nới tỉ lệ margin giúp lượng tiền chảy vào thị trường nhiều hơn. Bên cạnh đó là sự tham gia tích cực từ khối nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi tiền thật của nhà đầu tư trong nước chưa tăng vì hiện nay, kênh tiết kiệm ngân hàng vẫn hấp dẫn và an toàn hơn chứng khoán.

Chờ quyết sách của Chính phủ

Cũng theo ông Tuấn, dù thị trường đang điều chỉnh giảm nhưng các nhóm cổ phiếu đầu tư công, vật liệu xây dựng vẫn đang được hưởng lợi sau sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong giải ngân đầu tư công cũng như một số chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản sắp được triển khai. Nhiều cổ phiếu ở các nhóm ngành này đã phục hồi tốt, thanh khoản cái thiện từ đầu năm đến nay. Một số mã thậm chí đã tăng giá 50%-70% trong thời gian ngắn nên việc giảm giá, đảo chiều giảm cũng là dễ hiểu.

"Các gói tín dụng 110.000 tỉ đồng và 120.000 tỉ đồng đang được xây dựng có thể kích hoạt thêm dòng tiền tham gia TTCK trong giai đoạn này, tuy vậy, xu hướng thị trường trong ngắn hạn vẫn chưa bền vững, nhà đầu tư cần theo dõi thêm để xác định phương hướng đầu tư, lựa chọn thời điểm, nhóm ngành thích hợp để giao dịch nhằm tránh thua lỗ" - ông Tuấn lưu ý.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), cho rằng nhìn trên phương diện kinh tế vĩ mô thì năm nay có thể nói là tốt hơn năm ngoái. Việt Nam có lợi thế về xuất khẩu, các ngành đều thuận lợi hơn khi Trung Quốc mở cửa. Cùng với đó là giá các loại nguyên vật liệu giảm mạnh so với trước, cước vận tải cũng giảm sâu… giúp giảm áp lực chi phí cho DN. Vấn đề cần chờ thêm là lãi suất. Nếu lãi suất hạ nhiệt thì kinh tế ổn định hơn, TTCK sẽ hấp dẫn hơn.

Bên cạnh đó, ngành bất động sản đang gặp khó khăn, điều này đang ảnh hưởng đến kinh tế và TTCK. Tuy nhiên, Chính phủ đang tìm cách tháo gỡ pháp lý, tìm cách đưa vốn hợp lý vào thị trường thông qua đầu tư công, phát triển nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp… nên sắp tới các hoạt động của ngành vật liệu xây dựng, hạ tầng có thể tốt hơn.

Theo ông Hải, TTCK mặc dù đã qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng đầu tư cổ phiếu trong bất cứ giai đoạn nào cũng cần phải xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng. Nếu chọn phương pháp đầu tư giá trị cần xem xét từ vĩ mô ảnh hưởng đến DN đó như thế nào. Nếu DN tốt, thuộc nhóm ngành hưởng lợi nhiều từ kinh tế vĩ mô thì những lúc thị trường giảm mạnh là cơ hội để mua vào cổ phiếu, đầu tư lâu dài. Điều đáng chú ý là tại Việt Nam, cơ cấu nhà đầu tư cá nhân chiếm nhiều hơn nhà đầu tư tổ chức, điều này đi ngược với xu hướng chung của thế giới nên muốn chọn cổ phiếu nhà đầu tư phải chọn phân bổ danh mục cho hợp lý.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định sau những rủi ro ngắn hạn, thị trường có thể đi lên mức 1.200 điểm từ nay đến cuối tháng 5. Bởi sau thời gian này, các DN niêm yết, đặc biệt là các DN bất động sản sẽ gặp lại áp lực trả nợ trái phiếu. Nếu Chính phủ sớm có những quyết sách hỗ trợ thị trường trái phiếu, bất động sản, giúp giải quyết về vốn cho các DN thì khả năng xu hướng tích cực vẫn duy trì, còn không TTCK sẽ trầm lắng như đã xảy ra vào năm 2019.

Thận trọng để tránh thua lỗ

Theo ông Nguyễn Thế Minh, trong ngắn hạn các nhà đầu tư nên ưu tiên các nhóm cổ phiếu mang tính "phòng thủ" như: sản xuất thực phẩm, tiêu dùng, điện nước, dầu khí… Còn các ngành được cho hấp dẫn như đầu tư công, hàng không... chỉ nên mua bán ở mức độ vừa phải. Riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có sự phân hóa lớn giữa những ngân hàng có dính đến trái phiếu DN và nhóm không ảnh hưởng… "Để an toàn, nhà đầu tư chỉ nên dành 50% tiền nhàn rỗi cho chứng khoán, còn lại có thể bỏ vào vàng, tiết kiệm khi bức tranh chung của TTCK chưa rõ ràng, cơ hội chỉ dành cho những người am hiểu và biết nắm bắt" - ông Minh nhấn mạnh.

Tin mới

"Thần dược" trồng ở vùng đất lửa của Trung Quốc tràn sang Việt Nam, có loại giá chỉ 50.000 đồng/kg
50 phút trước
Loại quả này có quả nhỏ nhưng cực dày thịt, chín tự nhiên trên cây không qua máy sấy, có độ ngọt vừa phải, dẻo, hạt lép, thơm ngon hiếm có.
Mẫu iPhone như "anh em song sinh" với iPhone 16 Plus: Rẻ hơn đến 3 triệu, tính năng gần như ngang ngửa
47 phút trước
Cầm trên tay, khó ai phân biệt được hai mẫu iPhone này nếu không quay lại mặt lưng đằng sau.
VinFast VF 3 - 'ông vua mới trong làng biển đẹp': Vừa đấu giá 3,9 tỷ liền rao bán chênh tới gần 1 tỷ đồng
2 giờ trước
Nhiều cư dân mạng tỏ ra ngạc nhiên trước độ chịu chơi của các chủ xe VinFast VF 3 này.
2 mẫu iPhone cũ giảm giá “chạm đáy” chỉ còn hơn 11 triệu, xịn chẳng kém iPhone 16
3 giờ trước
Sau 3,4 năm lên kệ, giá iPhone 12 và 13 hiện tại đang có giá khá tốt. Hai dòng máy này vẫn còn hàng VN/A mới 100% với phiên bản thường 64GB và 128GB.
App gọi xe nhỏ chật vật tìm đường sống
3 giờ trước
Dù nỗ lực bám trụ thị trường nhưng các ứng dụng gọi xe nhỏ lẻ vẫn khó có cơ hội bứt phá

Tin cùng chuyên mục

Mì tôm thanh long nhận vốn triệu USD, nhà sản xuất muốn thu 2.000 tỷ đồng
22/10/2024 09:28
Mì thanh long đã tiêu thụ hơn 3 triệu gói mì sau chiến dịch “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm”, các nhà sáng lập tham vọng thu 2.000 tỷ đồng năm 2026.
Nữ đại gia đứng sau chuỗi cafe Katinat sở hữu khối tài sản "khủng" cỡ nào?
13/09/2024 05:42
Theo tìm hiểu của PV, thành công của chuỗi Katinat có sự đóng góp không nhỏ của nữ doanh nhân Trương Nguyễn Thiên Kim - vợ Tổng giám đốc Chứng khoán Bản Việt.
VNG bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc thay ông Lê Hồng Minh
07/09/2024 08:54
Sáng nay (7/9), VNG đã thông báo bổ nhiệm ông Kelly Wong - phó Tổng giám đốc VNG làm quyền Tổng giám đốc thay ông Lê Hồng Minh.
Lộ diện ông trùm đứng sau Black Myth: Wukong: Sở hữu công ty giá trị tỷ đô, lọt danh sách 30 Under 30” của Forbes
05/09/2024 08:40
Cuối cùng, nhân vật đứng sau tựa game đình đám Black Myth: Wukong cũng đã lộ diện.