Đó là nhận định của ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm kinh doanh, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) trong cuộc trao đổi nhân dịp đầu năm mới về triển vọng thị trường chứng khoán năm 2022.
Khép lại năm 2021 – một năm thăng hoa của thị trường chứng khoán với các đỉnh cao mới được thiết lập. Cảm xúc của ông hiện tại như thế nào?
Ông Nguyễn Đức Nhân: Năm 2021 quả thực là một năm rất đặc biệt và đáng nhớ của thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngay cả những nhà đầu tư khó tính như tôi cũng không thể phủ nhận được sức hấp dẫn của thị trường khi chứng kiến chỉ số VN-Index tăng trưởng ấn tượng tới hơn 36%, thanh khoản cũng đạt mốc không tưởng với 2 tỷ USD/ phiên. Bên cạnh đó, sự gia nhập của nhà đầu tư F0 đã giúp chứng khoán Việt Nam thêm một bước trưởng thành mới với dòng tiền chảy vào thị trường mạnh mẽ, vốn hóa thị trường cũng tăng trưởng vượt bậc.
Dù đã trải qua nhiều giai đoạn biến động của thị trường, song tôi vẫn phải khẳng định năm 2021 là một năm tuyệt vời của thị trường chứng khoán. Theo đó, chứng khoán đang ngày càng khẳng định được vai trò của mình khi là kênh đầu tư hấp dẫn và kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp.
Sau một năm bùng nổ mạnh mẽ, ông nhận định diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022 sẽ ra sao?
Ông Nguyễn Đức Nhân: Theo tôi, động lực tăng trưởng chính của thị trường sẽ đến từ kỳ vọng chương trình tiêm chủng vaccine triển khai hiệu quả khiến dịch Covid-19 dần suy giảm, gói kích thích kinh tế của Chính phủ và nhìn xa hơn là triển vọng nâng hạng thị trường trong các năm tới. Bên cạnh đó, mức định giá của VN-Index vẫn đang ở mức hợp lý nhờ đà tăng của thị trường được hỗ trợ bởi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao của nhóm các doanh nghiệp niêm yết trong năm qua.
Đặc biệt, tôi đã nhìn thấy "sóng ngầm" của dòng cổ phiếu ngân hàng trong thời gian gần đây. Sự trở lại của nhóm "cổ phiếu vua" trong thời gian tới sẽ là động lực dẫn dắt thị trường bứt tốc mạnh mẽ và chinh phục những đỉnh cao mới. Từ những yếu tố tích cực trên, tôi cho rằng thị trường chứng khoán đang ở giai đoạn đẹp nhất và sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng về chỉ số lẫn thanh khoản.
Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng mức tăng vượt trội như trong giai đoạn 2020-2021 nhiều khả năng sẽ không lặp lại. Theo đó, chỉ số VN-Index trong năm 2022 có thể chạm ngưỡng 1.850 điểm, thanh khoản hứa hẹn lên đến 3 tỷ USD/phiên.
Dòng tiền nhà đầu tư F0 cuồn cuộn chảy vào thị trường là một trong những yếu tố "châm ngòi" cho sự bùng nổ của chứng khoán năm 2021. Liệu làn sóng nhà đầu tư mở mới có ồ ạt kéo dài sang năm 2022 không thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Nhân:Trong bối cảnh kênh đầu tư chứng khoán đang dần trở nên phổ biến cùng với những triển vọng tăng trưởng của thị trường trong năm tới, tôi đánh giá dòng tiền nhà đầu tư mới vẫn sẽ rất mạnh mẽ.
Nhiều người cho rằng sau một năm bùng nổ về tài khoản mở mới thì làn sóng này sẽ có xu hướng "nguội" dần trong năm 2022. Song trên thực tế, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân mới luôn có xu hướng chảy vào nơi sinh lời mạnh và có tính thanh khoản cao nhất. Do đó, khi nào chứng khoán còn tăng điểm thì làn sóng nhà đầu tư mới vẫn sẽ tiếp tục mạnh mẽ. Bởi đặc tính của thị trường vốn dĩ là càng lên cao sẽ càng thu hút dòng tiền.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trong năm 2022 sẽ chậm nhịp hơn so với năm 2021 do lãi suất huy động dự báo tăng nhẹ dưới áp lực lạm phát cũng như chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed. Đồng thời, khi nền kinh tế dần phục hồi sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát có thể một phần dòng tiền bị rút ra quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhiều ý kiến cho rằng, dòng tiền trên thị trường hiện tại phần lớn mang tính chất đầu cơ và không thực sự gắn bó với sự phát triển dài hạn của thị trường. Theo ông, điều này có là lực cản khiến thị trường khó phát triển bền vững trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Đức Nhân: Cắt nghĩa một cách dễ hiểu nhất thì đầu cơ chính là muốn có lợi nhuận cao nhất trong thời gian ngắn nhất. Đây là mong muốn chính đáng của nhà đầu tư khi tham gia chứng khoán, song như Warren buffet đã từng nói "nhà đâu cơ sẽ chết trên đường dài". Đặc điểm của thị trường cận biên thường thiếu tính minh bạch, đó là cơ hội khiến dòng tiền đầu cơ nổi sóng. Tuy nhiên, với quyết tâm nâng hạng thành thị trường mới nổi trong thời gian tới tôi cho rằng sẽ có những giải pháp siết chặt tính minh bạch trên thị trường. Từ đó, dòng tiền sẽ có sự chọn lọc ở những cổ phiếu có nền tảng cơ bản, dòng tiền đầu cơ sẽ ít "đất" để tồn tại hơn rất nhiều so với năm trước.
Mặt khác, tôi không cho rằng dòng tiền đầu cơ sẽ là lực cản cho đà phát triển bền vững của thị trường. Bởi, dòng tiền đầu cơ vốn là một bộ phận không thể thiếu mà bất kể thị trường chứng khoán nào cũng có. Hơn hết, với kinh nghiệm thực chiến của người làm môi giới, tôi nhận thấy tư duy và kiến thức nhà đầu tư mới ngày nay đã có sự tiến bộ rõ rệt so với 15 năm trước. Hiện nhiều nhà đầu tư mới cũng có tư duy phân bổ tài sản bởi họ được tiếp cận thông tin bên ngoài nhiều hơn, hiểu giá trị cốt lõi của đầu tư chứng khoán hơn. Do đó, chúng ta có thể tin tưởng dòng tiền nhà đầu tư mới sẽ ngày càng mạnh mẽ và giúp thị trường phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
Câu chuyện nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi vẫn là vấn đề "dai dẳng" chưa thực hiện được trong nhiều năm gần đây. Ông dự báo thế nào về triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Đức Nhân: Tiêu chí phân loại thị trường của MSCI dựa trên 3 tiêu chí chính, bao gồm: Mức độ phát triển kinh tế của quốc gia, quy mô thanh khoản thị trường và khả năng dễ tiếp cận đến với thị trường đó. Câu hỏi đặt ra là thị trường còn những rào cản nào để thị trường Việt Nam được nâng hạng thành thị trường mới nổi? Tôi cho rằng có hai vấn đề quan trọng nhất chúng ta cần hoàn thiện để tiến nhanh đến quá trình nâng hạng đó là "nới room" đối với nhà đầu tư nước ngoài và việc áp dụng giao dịch T+0.
Tuy nhiên, tôi tin là muộn nhất nửa đầu năm 2023 chúng ta sẽ có thể hoàn thành những tiêu chí trên và đặc biệt là khi hệ thống giao dịch mới (hệ thống KRX) đi vào hoạt động. Song cần nhấn mạnh, từ đủ tiêu chí đến chính thức nâng hạng cũng cần thời gian nhất định. Đơn cử như Trung Quốc, dù là thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới nhưng quốc gia này cũng mất 3 năm để được xếp hạng mới nổi.
Ngoài ra, khi đã nâng hạng thị trường vẫn cần duy trì ổn định, nếu vẫn có nguy cơ xuống hạng bất cứ lúc nào. Do đó, tôi cho rằng dù có nhiều triển vọng, song thị trường chứng khoán vẫn nên từng bước phát triển để đảm bảo tính bền vững của việc nâng hạng trong tương lai.
Trái ngược với sự sục sôi của nhà đầu tư cá nhân trong nước, câu chuyện khối ngoại bán ròng kỷ lục được nhắc đến rất nhiều trong năm 2021. Với những điều kiện hiện nay, có thể trông chờ chứng khoán sẽ hấp dẫn dòng vốn ngoại quay trở lại không thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Nhân: Với mức định giá của thị trường Việt Nam còn tương đối rẻ so với tiềm năng tăng trưởng, tôi tin tưởng chứng khoán Việt Nam sẽ là điểm đến của dòng vốn ngoại trong năm 2022. Đặc biệt, việc nâng hạng thị trường của chứng khoán Việt Nam cũng sẽ thu hút sở thích "lướt sóng" của khối ngoại. Do đó, tôi cho rằng khả năng cao khối ngoại sẽ quay trở lại đón đầu làn sóng nâng hạng tại thị trường Việt Nam trong năm 2022.
Xin cảm ơn ông!