Sau đà tăng mạnh mẽ hơn 11% trong tuần trước, VN-Index có phần hụt hơi trong tuần này và điều chỉnh giảm với thanh khoản tiếp tục ở mức cao, cho thấy áp lực chốt lời là rất lớn – đặc biệt là ở xung quanh vùng 1.100 điểm.
Theo đó, chỉ số chính giằng co ở phiên giao dịch thứ Hai, và sụt giảm mạnh gần 45 điểm ngay phiên sau đó. Tâm lý giao dịch của nhà đầu tư tiếp tục thận trọng ở những phiên cuối tuần và dao động quanh 1.050 điểm.
Tính chung cả tuần giao dịch (5-9/12), VN-Index giảm 28,2 điểm (-2,6%) xuống 1.051,81 điểm, HNX-Index tăng 1,04 điểm (+0,5%) lên 217 điểm. Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 5,2% so với tuần trước đó xuống 86.890 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 6,9% xuống 5.098 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 28% lên 9.392 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 9,8% lên 656 triệu cổ phiếu.
Thị trường điều chỉnh trong tuần qua khiến cho phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều sụt giảm. Trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng tiêu cực nhất khi sụt giảm 3,4% giá trị vốn hóa. Với các cổ phiếu tiêu biểu như VCB (-9,1%), BID (-4,9%), TCB (-3,5%), VPB (-2,3%), ACB (-1,9%), SHB (-5,4%)...
Khối ngoại có tuần mua ròng thứ năm liên tiếp trên hai sàn với tổng cộng giá trị mua ròng đạt 4.351,24 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, SSI là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 21,9 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là FUEVFVND và STB với lần lượt 18,9 triệu chứng chỉ quỹ và 18,9 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, PDR là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 5 triệu cổ phiếu.
Trước diễn biến tuần giao dịch vừa qua, ông Hoàng Công Tuấn, chuyên gia MBS dự báo trong thời gian tới thị trường sẽ tiếp tục đi lên song sẽ kèm theo những nhịp điều chỉnh, rung lắc. Sự điều chỉnh này mang tính phân hóa và chọn lọc, do vậy câu chuyện lựa chọn cổ phiếu rất quan trọng. Nhà đầu tư có thể chờ đến những nhịp nhúng và tham khảo một số cổ phiếu nhiều tiềm năng như KDH, PVS, CTG, BID.
Còn theo đánh giá của SHS, sau 3 tuần hồi phục liên tiếp đặc biệt là tuần từ 28/11-02/12 thị trường phục hồi mạnh mẽ, dứt khoát và có tính bùng nổ thì tuần này thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh là vận động hết sức bình thường. Vận động điều chỉnh còn có tính tích cực giúp thị trường tích lũy lại và củng cố nền tảng trước khi có đợt tăng tiếp theo, trạng thái thị trường đã hình thành đáy trung hạn và bước vào giai đoạn phục hồi là trạng thái chủ đạo tích cực.
SHS nhận định ngưỡng 1.000 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ tâm lý và ngưỡng 1.150 điểm sẽ là ngưỡng cản mạnh đối với quá trình phục hồi của VN-Index. Do vận động hiện tại của thị trường là vận động mang tính chất hồi phục kỹ thuật và là giai đoạn phục hồi đầu tiên sau khi hình thành đáy nên giai này thường diễn ra mạnh mẽ và kéo dài (trong quá trình hồi phục có những khu vực thị trường điều chỉnh như tuần này), tuy nhiên dù hồi phục mạnh thị trường chưa xác nhận bước vào uptrend.
"Chúng tôi cho rằng VN-Index vẫn có xu hướng tiếp tục đà tăng sau giai đoạn điều chỉnh này và hướng tới mục tiêu 1.150 điểm nhưng sẽ đối diện với khả năng có đợt điều chỉnh mạnh và rủi ro cao khi chỉ số chính tiệm cận ngưỡng 1.150. Sau giai đoạn downtrend mạnh thời gian qua, thị trường cần thời gian tích lũy lâu và tin cậy hơn trước khi có thể có uptrend thực sự", SHS cho biết.
Với quan điểm phân tích và nhận định theo luồng phân tích thời gian qua và như nội dung phân tích ở trên, SHS cho rằng đợt điều chỉnh đang diễn ra vẫn sẽ là cơ hội cho những nhà đầu tư ngắn hạn gia nhập thị trường để đón đầu giai đoạn hồi phục tiếp theo. Đối với nhà đầu tư trung dài hạn vẫn có thể tận dụng giai đoạn điều chỉnh hiện tại để cơ cấu lại danh mục hợp lý hơn. Trong ngắn hạn, thị trường điều chỉnh sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư mua vào với kỳ vọng VN-Index hướng tới vùng 1.150 điểm. Đối với nhà đầu tư trung, dài hạn, đợt điều chỉnh sẽ là cơ hội gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu, mục tiêu giải ngân nên hướng tới nắm giữ trung hạn và lựa chọn các cổ phiếu có nền tảng cơ bản và đà tăng trưởng tốt bị bán quá đà trong giai đoạn Downtrend vừa qua.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, VCBS nhận định không khó hiểu khi VN-Index rung lắc mạnh. Nhóm phân tích này cho rằng chỉ số chính sẽ cần tích lũy một thời gian quanh vùng 1.050 điểm để cung chốt lời ngắn hạn được hấp thụ hết trước khi có thể tiếp tục hướng lên các vùng điểm phía trên quanh 1.080 và xa hơn là 1.130. Do đó, nhà đầu tư có tiếp tục giữ tỷ trọng cổ phiếu so với tiền ở mức vừa phải khoảng 50:50, đồng thời có thể chốt lời một phần và canh mua lại trong các nhịp sụt giảm trong phiên cho mục đích lướt sóng ngắn hạn.