Thái Lan, Indonesia và Philippines đều dự kiến tổ chức bầu cử trong năm nay - sự kiện mà theo giới phân tích có thể giúp thị trường chứng khoán các nước này phục hồi sau lần bán tháo năm ngoái, theo CNBC.
Thái Lan dự kiến khởi động mùa bầu cử Đông Nam Á vào ngày 24/3 tới, theo sau là Indonesia vào 17/4 và Philippines vào 13/5. Chỉ số chứng khoán của 3 quốc gia này đều sụt mạnh năm 2018 khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu thị trường mới nổi trong bối cảnh Mỹ nâng lãi suất và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Từ đầu năm đến nay, chứng khoán của cả ba nước đều phục hồi nhẹ. Nhưng theo giới nhà phân tích, các cuộc bầu cử sắp tới sẽ tạo cú hích mạnh hơn nữa, với chi tiêu tăng lên của người tiêu dùng cũng như chính phủ, và thậm chí có thể kéo dài qua cuộc bầu cử.
"Chúng tôi nhận thấy rằng chi tiêu của cả người tiêu dùng và chính phủ có xu hướng tăng mạnh tại Indonesia và Philippines trước thềm bầu cử. Xu hướng này có thể sẽ còn kéo dài nhiều tháng sau khi cuộc bầu cử kết thúc", các nhà phân tích từ hãng dịch vụ tài chính Maybank Kim Eng của Malaysia cho biết trong một báo cáo hồi tháng 2. "Với Thái Lan, nhiều năm chìm trong bất ổn chính trị có đã làm giảm bớt mối liên hệ này, gây khó khăn trong việc xác định xu hướng chi tiêu trước bầu cử".
Những bất ổn chính trị ở Thái Lan
Vài năm gần đây, tăng trưởng của Thái Lan - nền kinh tế lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, trùng xuống một phần do những bất ổn chính trị. Quốc gia này đã trải qua vài lần thay đổi chính quyền trong 15 năm qua do biểu tình công khai và 2 lần đảo chính quân sự.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-O-Cha - Ảnh: Getty Images.
Theo các nhà phân tích, thủ tướng đương nhiệm của Thái Lan, cựu tướng quân đội Prayut Chan-o-cha, có thể sẽ tái đắc cử trong cuộc bầu cử vào ngày 24/3 tới. Đây là điều tích cực để duy trì tính dài hạn của các chính sách kinh tế tại nước này. Tuy nhiên, bất ổn chính trị có thể bùng phát nếu "cử tri cảm thấy bầu cử tự do bị chối bỏ" và điều này có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Thái lan, theo hãng tư vấn Capital Economics.
Với những bất ổn như vậy, khó có thể xác định liệu chi tiêu trước bầu cử có thúc đẩy tiêu dùng nội địa của nước này hay không, theo các nhà phân tích của Maybank Kim Eng. Chuyên gia phân tích của Maybank Kim Eng cũng nhấn mạnh rằng đảng quân sự cầm quyền của Thái lan đã tuyên bố dành ngân sách 87 tỷ Baht (2,75 tỷ USD) cho nhóm dân số thu nhập thấp và người già trước thềm bầu cử.
Nếu khoản tiền này dẫn đến tăng chi tiêu tiêu dùng, cổ phiếu của các công ty bán lẻ - như hãng vận hành cửa hàng tiện lợi CP All - niêm yết tại Thái Lan và Thai Beverage - niêm yết ở Singapore - sẽ được hưởng lợi, Maybank Kim Eng cho biết.
Sức bền của Indonesia
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, sẽ tổ chức bầu cử tổng thống và bầu cử lập pháp vào ngày 17/4. Theo các nhà phân tích, trước thềm những cuộc bầu cử trước đây, chi tiêu của chính phủ cũng như người tiêu dùng có xu hướng tăng mạnh và nhiều dấu hiệu cho thấy xu hướng này sẽ lặp lại.
Việc tổng thống đương nhiệm Joko Widodo, còn được gọi là Jokowi, tăng chi ngân sách chính phủ trước thềm bầu cử được cho là một trong những cú hích cho cổ phiếu ngân hàng và tiêu dùng của Indonesia, như của Ngân hàng Bank Central Asia hay nhà sản xuất mì ăn liền Indofood Sukses Makmur, theo Joanne Goh, chiến lược gia về chứng khoán khu vực tại ngân hàng DBS của Singapore.
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy ông Jokowi đang dẫn đầu trong cuộc tranh cử tổng thống. Theo Goh, dù kết quả cuộc bầu cử thế nào cũng sẽ không ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế nước này.
"So sánh tương đối trong khu vực, Indonesia là một trong những nền kinh tế có nhu cầu nội địa bền vững bất chấp tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, giá dầu và lãi suất giảm", chiến lược gia của DBS cho biết.
Phép thử cho các chính sách của ông Duterte
Không giống ở Thái Lan và Indonesia, lãnh đạo Philippines - Tổng thống Rodrigo Duterte - không phải đối mặt với bầu cử trong năm nay. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cuộc bỏ phiếu lựa chọn thành viên cho cơ quan lập pháp vào gần giữa nhiệm kỳ 6 năm của ông Duterte được xem như một cuộc trưng cầu dân ý đối với các chính sách của tổng thống.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - Ảnh: Philstar.
Tỷ lệ ủng hộ đối với ông Duterte vẫn ở mức cao trong vài tháng gần đây và các cuộc thăm dò cho thấy những người theo phe của ông vẫn giữ kiểm soát đa số ghế trong cơ quan lập pháp, theo Maybank Kim Eng.
Tổng thống Philippines mới đây cũng tăng chi ngân sách chính phủ với trọng tâm vào các dự án hạ tầng và xã hội. Theo Maybank Kim Eng, chi tiêu tăng trước bầu cử tại Philippines thường có lợi cho các cổ phiếu bán lẻ, truyền thông và hàng tiêu dùng.
Hãng dịch vụ tài chính Malaysia cũng chỉ ra rằng cổ phiếu của đế chế truyền thông ABS-CBN thường nhạy cảm nhất với xu hướng này nhờ doanh thu quảng cáo tăng trước thềm các cuộc bầu cử. Bên cạnh đó, Maybank Kim Eng cũng cho biết cổ phiếu của chuỗi hàng ăn nhanh Jollibee Foods và chi nhánh tại Philippines của hãng đồ uống Pepsi từng tăng giá mạnh nhất trong các cuộc bầu cử trước đây. Dù vậy, tác động như vậy có thể không xảy ra trong bầu cử lần này, một phần vì một số mặt hàng tiêu dùng gần đây đã tăng giá, Maybank Kim Eng nhận định.
Ngoài bầu cử, khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ của Philippines là một trong những nguyên nhân giúp cổ phiếu của các công ty nước này, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính và bất động sản, được HSBC khuyến nghị mua vào.