Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu ngay phiên giao dịch đầu tuần do tác động từ giá dầu thế giới sụt giảm và tác động tâm lý tiêu cực từ Coronavirus. Tuy nhiên, sức cầu bắt đáy nhiều cổ phiếu tốt tăng mạnh.
Hàng loạt cổ phiếu blue-chips trên các sàn chứng khoán Việt Nam giảm sâu trong phiên giao dịch sáng 9/3 khiến chỉ số VN-Index mất quanh mức 40-45 điểm.
Tính tới 10h20, VN-Index giảm 42,28 điểm (4,74%) xuống 849,16 điểm. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 10/2017, chỉ số này xuống dưới ngưỡng 850 điểm.
Cả 30 mã lớn thuộc nhóm VN30 đều giảm, trong đó có những mã giảm khá sâu như Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng; Thế Giới Di Động (MWG) của đại gia Nguyễn Đức Tài; PV GAS (GAS), Petrolimex (PLX),...
Nhóm cổ phiếu dầu khí diễn biến tiêu cực nhất trong bối cảnh giá dầu thế giới đầu giờ sáng nay (9/3) trên thị trường châu Á mở cửa rớt 30%, mức giảm giá ở một thời điểm mạnh nhất kể từ cuộc chiến vùng Vịnh 1991. Giá dầu hiện vẫn giảm từ 20-25% so với cuối tuần trước.
Cổ phiếu blue-chíp PV GAS (GAS) giảm sàn 5.400 đồng xuống còn 72.100 đồng/cp.
Chứng khoán giảm sâu, VN-Index xuống dưới 850 điểm |
Hàng loạt cổ phiếu dầu khí khác như CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí - PV Drilling (PVD); Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PTSC (PVS)... đều giảm hết biên độ cho phép.
Giá dầu bất ngờ giảm 30% ngay phiên giao dịch đầu tuần mới sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thất bại trong một thỏa thuận với các đồng minh liên quan tới việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu khí.
Saudi Arabia đã giảm mạnh giá dầu trong bối cảnh nước này có kế hoạch tăng sản lượng khai thác và dẫn đến sự lo ngại về một cuộc chiến toàn lực về giá.
Sau hai cuộc chiến thương mại và hạ lãi suất, cuộc chiến giá dầu mới cùng với dịch Covid-19 đang bùng nổ khiến kinh tế thế giới ngày càng gặp khó khăn. Giới đầu tư lo ngại tình hình bất ổn trên thế giới có thể ảnh hưởng tới triển vọng của các doanh nghiệp trong nước, trong đó có các doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên TTCK.
Tình hình thị trường tài chính thế giới biến động mạnh cũng ảnh hưởng tới tâm lý của các NĐT trong nước.
Ngay sau khi giá dầu tụt giảm, chỉ số Dow Jones tương lai giảm 5%, vàng tăng lên 1.700 USD/ounce, vàng trong nước lên 48,5 triệu đồng/lượng.
Theo Bloomberg, trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm sáng 9/3 tiếp tục tăng vọt và khiến lợi tức tụt giảm xuống mức thấp chưa từng có. Tuần trước, lần đầu tiên trong lịch sử lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm xuống dưới ngưỡng 1%/năm, thì đầu tuần mới xuống dưới 0,5%/năm. Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm lần đầu tiên cũng xuống dưới 1%.
Nhiều cổ phiếu lớn giảm mạnh. |
Đồng krone của Na Uy xuống mức thấp nhất kể từ những năm 80 thế kỷ trước, đồng peso của Mexico giảm 6% xuống mức thấp nhất kể từ sau cuộc chiến bức tương biên giới với chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump.
Lợi suất trái phiếu 10 năm Úc và New Zealand cũng xuống mức thấp kỷ lục. Chỉ số chứng khoán Úc đang chứng kiến một phiên giảm mạnh nhât kể từ 2008. Trong khi đó đồng yyen Nhật lên mức cao nhất kể từ 2016.
Theo nhiều chuyên gia, áp lực bán ra chung trên thị trường là do các NĐT lo ngại triển vọng của các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường tài chính bất ổn và thế giới đang nỗ lực áp dụng các biện pháp phòng dịch Covid-19 lan rộng.
Tuy nhiên, thị trường luôn chứng kiến sức cầu đỡ giá thường trực ở mức giá thấp. Cổ phiếu trong nhiều lĩnh vực vẫn được quan tâm như: ngân hàng, dược, viễn thông, bất động sản công nghiệp...
Khối lượng giao dịch có dấu hiệu tăng mạnh ở nhiều mã cơ bản tốt và cổ phiếu phòng vệ.
Mặc dù thế giới đang đối mặt với nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế lớn khi mà dịch Covid-19 lan rộng và vẫn chưa lường hết tác động tiêu cực thì vẫn có những điểm tích cực. Trong khi Italy thành ổ dịch lớn thứ 2 thế giới thì Trung Quốc không có ca nhiễm mới ngoài Hồ Bắc.
M. Hà