Hông Kông dẫn đầu cú sập của chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương trong phiên giao dịch ngày 22/5. Đóng cửa ở mức 22/930,14 điểm, Hang Seng Index đã mất 5,56% trong phiên giao dịch cuối tuần. Động thái mới nhất của phía Trung Quốc làm dấy lên quan ngại các nhà đầu tư về việc Trung Quốc đang cố gắng kìm kẹp Hồng Kông. Số khác lo ngại một làn sóng dân chủ sẽ bùng lên ở đặc khu hành chính này.
Dự thảo luật mới của Trung Quốc được công bố trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thường niên của Trung Quốc, vốn bị hoãn 2 tháng so với kế hoạch vì đại dịch Covid-19 hoành hành. Dự thảo luật này sẽ cấm các hành vi ly khai, can thiệp nước ngoài, khủng bố và tất cả các hoạt động có chủ đích nhằm lật đổ chính quyền trung ương cũng như các động thái can thiệp từ bên ngoài vào thuộc địa cũ của Anh.
"Không phải bàn cãi, dự thảo luật mới về Hồng Kông trong chương trình nghị sự của Quốc hội Trung Quốc gợi lên sự bất an của thị trường. Trong khi đó, nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ và các cuộc biểu tình ở Hồng Kông chắc chắn sẽ gia tăng", các nhà phân tích của Ngân hàng Mizuho cho biết trong một bản lưu ý.
Một số nhà phân tích khác lo ngại những gì đang xảy ra sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của Hồng Kông trong trung và dài hạn. Những gì từng xảy ra trong quá khứ được lấy ra làm ví dụ. Thậm chí, có những người còn lo ngại những gì xảy ra với Hồng Kông sẽ tạo tác động đến phần còn lại của châu Á.
Không chỉ riêng Hồng Kông, chứng khoán ở Trung Quốc đại lục cũng giảm trong phiên giao dịch cuối tuần. Shanghai composite giảm 1,89% xuống 2.813,77 điểm trong khi Shenzhen component giảm 2,22% xuống còn 10.604,97 điểm.
Chứng khoán châu Á cũng chịu tác động. Nikkei 225 tại Nhật Bản đóng cửa với mức giảm 0,8% xuống còn 20.388,16 điểm. Trong khi đó, Topix cũng giảm 0,9% xuống còn 1.477,80 điểm. Tại Hàn Quốc, Kospi đã giảm 1,41% và đóng cửa ở mức 1.970,13 điểm. S&P/ASX 200 của Australia cũng ghi nhận mức giảm 0,96% xuống còn 5.497 điểm. MSCI Asia châu Á trừ Nhật Bản giảm 2,68%.
Bên cạnh đó, ciệc Chính phủ Trung Quốc không đặt mục tiêu tăng trưởng GDP, một động thái hiếm hoi, cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng phải chịu những tác động nặng nề từ dịch bệnh. Sự căng thẳng nhiều mặt trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục khiến các nhà đầu tư bất an.