Giá dầu Brent đã chứng kiến đà phục hồi đáng kể trong năm 2021 từ mức đáy vào năm 2020 và tiếp tục sang năm 2022. Hiện, Brent đã vượt mốc 100 USD/thùng sau khi Nga quyết định tấn công Ukraine. Bên cạnh đó, thị trường dầu khí toàn cầu cũng đang thắt chặt những hoạt động thượng nguồn nhằm cắt giảm chi phí trong đại dịch Covid-19.
Theo đó, Chứng khoán KB Việt Nam (KB) vừa có dự báo giá dầu Brent cơ sở trong năm 2022 sẽ đạt mức 90 USD/thùng, tương đồng với dự báo giá dầu của các tổ chức tài chính lớn.
Là đơn vị tương quan chặt chẽ với giá dầu, Lọc Hoá Dầu Bình Sơn (BSR) theo KB sẽ hưởng lợi lớn từ xu hướng tăng của giá dầu. Thêm vào đó, crack spread (chênh lệch giữa giá một thùng dầu thô và sản phẩm xăng dầu chế biến từ thùng dầu thô) của BSR cũng được hưởng lợi nhờ đà tăng của giá dầu.
Crack spread các sản phẩm chính của BSR (USD/thùng)
Giá các sản phẩm của BSR (USD/thùng)
Thực tế, kết thúc năm 2021, BSR đạt 101.079 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 74% so với cùng kỳ, trong đó chiếm tới 34.096 tỷ đồng là doanh thu từ DO 0,05% S và hơn 33.403 tỷ đồng là nguồn thu từ Mogas 95. Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt 6.673 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ tới 2.858 tỷ đồng.
Giải trình về kết quả kinh doanh khả quan trong quý này, ban lãnh đạo BSR cho biết diễn biến giá dầu thô liên tục tăng mạnh trong năm 2021 đã tạo nhiều thuận lợi đối với tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty trong quý 4 nói riêng và cả năm 2021 nói chung. Bên cạnh đó, việc chênh lệch giá dầu thô và sản phẩm trong những tháng cuối năm 2021 cũng góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của BSR.
Không chỉ giá dầu tăng, kỳ vọng khi ngành sản xuất công nghiệp, du lịch và vận tải hồi phục, giá tại nhà máy của các sản phẩm xăng dầu sẽ tăng nhanh hơn giá dầu thô trong năm 2022, đồng nghĩa với crack spread lớn hơn cho các nhà máy lọc dầu và trong đó có BSR.
BSR có thể hưởng lợi khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và đối thủ cạnh tranh chính là nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp khó khăn hoạt động giúp cho hiệu suất hoạt động được đảm bảo. Tính tới cuối năm 2021, Dung Quất chiếm gần 36% thị phần thị trường sản phẩm xăng dầu của Việt Nam và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chiếm 34%; còn lại 30% là sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, với việc liên tục thua lỗ từ khi đi vào hoạt động tới nay, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã gặp khó khăn về mặt tài chính và phải hạ công suất hoạt động xuống 80% công suất thiết kế.
Theo KB, đây là một động lực ngắn hạn cho BSR khi rào cản gia nhập ngành là rất lớn và hiện tại chưa có thêm nguồn cung khác thay thế ngoài nhập khẩu. Năm 20222, Dung Quất được kỳ vọng sẽ vận hành ổn định, với hiệu suất 108% trong năm 2022 do không phải thực hiện đại tu (BSR đại tu 3 năm/lần với khoảng thời gian 50-52 ngày, đợt gần nhất là năm 2020) và bù đắp sản lượng thiếu hụt do nhà máy Nghi Sơn giảm công suất.
Bên cạnh đó, nhu cầu xăng dầu sẽ dần hồi phục sau dịch khi tỷ lệ tiêm chủng ít nhất hai mũi tại Việt Nam đã đạt 100% và mũi 3 đã gần 100%. Điều này sẽ giúp cho chiến lược "thích ứng an toàn với đại dịch" của Chính phủ Việt Nam đạt được thành công và dần dần mở cửa lại nền kinh tế, góp phần tăng nhu cầu xăng dầu nội địa.
Theo ước tính của BMI Research, tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam có thể tăng trưởng với CAGR là 4,7% trong giai đoạn 2021-2025, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng toàn cầu là 1,3% ngoại trừ trường hợp xảy ra các sự kiện "thiên nga đen" khác như Covid-19. Do đó, tiêu thụ xăng dầu nội địa có thể quay trở lại xu hướng tăng trưởng từ năm 2022 trở đi khi đại dịch đang dần được kiểm soát.
Thị phần cung cấp xăng nội địa 2021
Sản lượng BSR
Với những luận điểm trên, giới phân tích kỳ vọng doanh thu của BSR có thể đạt 143.713 tỷ (tăng 42%) và lãi sau thuế 10.261 tỷ đồng, tăng 54% so với năm 2021. Cơ sở để đưa ra dự phóng gồm giá dầu trung bình năm 2022 đạt 90 USD/thùng; hiệu suất hoạt động nhà mát đạt 108% công suất thiết kế; sản lượng tiêu thụ đạt 7.024 triệu tấn (tăng 9,4%) và giá bán sản phẩm trung bình tăng 30% nhờ diễn biến tích cực từ giá dầu thế giới.