CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (Mã chứng khoán: KIS) đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2021 và kết quả 6 tháng đầu năm với các chỉ tiêu đồng loạt bật tăng mạnh mẽ, thậm chí gấp đến 14 lần cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tính riêng trong quý 2/2021, Chứng khoán KIS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt hơn 866,4 tỷ đồng, gấp gần 5,3 lần giá trị trong quý 2 năm trước. Đáng chú ý, mảng tự doanh đóng góp chủ yếu cho đà tăng ấn tượng này của doanh thu, tỷ trọng chiếm 65,7%. Theo đó, khoản lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đã vọt tăng kỷ lục thêm gần 13 lần so với quý 2/2021, lên mức gần 569 tỷ đồng. Hoạt động phát hành chứng quyền trừ đi phần lỗ và chi phí tương ứng đã đem lại khoản doanh thu tăng gần 46 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Công ty thu lãi từ cho vay ký quỹ (margin) và ứng trước gấp hơn 2 lần quý 2/2020, đạt 119,4 tỷ đồng. Doanh thu môi giới kỳ này đạt 110,5 tỷ đồng, gấp 2,9 lần cùng kỳ. Trừ đi chi phí, phần lãi tương đương tăng thêm 15,5 tỷ đồng. Ngoài ra, phần lãi từ các công cụ phái sinh phòng ngừa rủi ro ghi nhận hơn 55 tỷ đồng trong kỳ báo cáo. Hoạt động bán các tài sản tài chính trong kỳ đem về khoản lãi ròng khoảng 186 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động trong kỳ của Chứng khoán KIS cũng đồng thời tăng cao, gấp gần 8 lần cùng kỳ lên hơn 663 tỷ đồng. Khấu trừ đi các khoản chi phí và thuế TNDN, công ty báo lãi ròng trong quý 2 năm nay đạt hơn 132,6 tỷ đồng, tăng trưởng gần 230% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu hoạt động của KIS đạt xấp xỉ 1.590 tỷ đồng, gấp 5,3 lần cùng kỳ năm trước. Đồng thời, LNST đạt hơn 237 tỷ đồng, tương đương mức tăng 216% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Bước sang năm 2020, KIS lên kế hoạch lãi sau thuế đạt mức 290 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng kỳ vọng đạt 46%. Như vậy, chỉ trong 6 tháng, công ty đã thực hiện gần 82% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tính đến 30/6/2021, tổng tài sản của Chứng khoán KIS tăng 47% so với hồi đầu năm, đạt 9.287 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất là nhóm tài sản tài chính ngắn hạn với giá trị khoảng 8.939 tỷ đồng. Khoản tiền và tương đương tiền của công ty cũng bật tăng 14 lần lên hơn 482 tỷ đồng sau nửa đầu năm.
Được biết, trong quý 2, KIS cũng gia nhập "game" tăng vốn của các CTCK nhằm đáp ứng nhu cầu margin khi phát hành gần 117 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 100:45. Với giá phát hành 10.000 đồng/cp, ước tính KIS huy động được hơn 1.100 tỷ đồng.
Tính đến 30/6, dư nợ gốc cho vay margin và các khoản ứng trước tiền bán của KIS đã tăng xấp xỉ 2.000 tỷ (44%) so với thời điểm đầu năm, lên mức hơn 6.580 tỷ đồng, trong đó dư nợ margin tăng gần 1.600 tỷ đồng chỉ trong vòng 6 tháng.
Sau phát hành, vốn chủ sở hữu của công ty cũng được nâng lên từ 2.990 lên gần 4.393 tỷ đồng, trong đó phần vốn góp của chủ sở hữu đã tăng lên gần 3.800 tỷ đồng. Nợ phải trả ngắn hạn sau 6 tháng đầu năm hiện đạt gần 4.890 tỷ đồng, tăng gần 47% so với đầu năm 2021.