CTCP Chứng khoán MB (mã chứng khoán: MBS) đã công bố BCTC Quý 1 năm 2022.
Theo báo cáo, công ty ghi nhận doanh thu hoạt động đạt gần 610 tỷ đồng tăng 52%. Tổng lợi nhuận sau thuế trong quý 1/2022 đạt hơn 200 tỷ đồng khi cùng kỳ năm trước lãi gần 100 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận năm nay gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là con số lợi nhuận kỷ lục của MBS đạt được tính theo quý.
Kết quả tích cực trong quý 1/2022 của MBS có đóng góp lớn từ hoạt động môi giới khi đem về 256 tỷ đồng doanh thu, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, lãi từ các khoản cho vay và phải thu (chủ yếu cho vay margin) lên tới 211 tỷ đồng, tăng 79%. Tính tới cuối quý 1/2022, dư nợ cho vay của MBS đạt 7.582 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm.
Danh mục tự doanh FVTPL của MBS tính tới cuối quý 1/2021 có giá trị 1.126 tỷ đồng, giảm 595 tỷ so với đầu năm, chủ yếu đến từ việc giảm nắm giữ trái phiếu. Trong khi đó, danh mục cổ phiếu niêm yết có giá trị ghi sổ hơn 200 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ so với đầu năm khi MBS gia tăng đầu tư vào HPG, VNM, FPT, VPB, TCB...
Danh mục tài sản tài chính AFS của công ty cũng ghi nhận giá trị ghi sổ tổng cộng 985 tỷ đồng với giá gốc cổ phiếu chưa niêm yết 118 tỷ đồng và trái phiếu chưa niêm yết 867 tỷ đồng.
Khoản lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) cũng tăng 83% so với quý 1/2021 lên 27 tỷ đồng. Danh mục HTM của MBS hiện có giá trị khoảng 2.117 tỷ đồng bao gồm tiền gửi có kỳ hạn (1.500 tỷ đồng) và chứng chỉ tiền gửi (586 tỷ đồng).
Trong ĐHCĐ diễn ra ngày 26/04 tới đây, Chứng khoán MB sẽ trình kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu dự kiến 3.027 tỷ đồng và LNTT 1.100 tỷ đồng, tương ứng 135% và 149% so với thực hiện năm 2021. Nếu xét theo kế hoạch này, sau quý 1/2022, MBS đã hoàn thành được 20% kế hoạch về tổng doanh thu, và 23% mục tiêu về lợi nhuận trước thuế.
Tài liệu ĐHCĐ MBS