Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch 31/5, khép lại một tháng đầy biến động khi chỉ số S&P 500 có thời điểm rơi vào thị trường giá xuống.
Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 222,84 điểm, tương đương 0,7%, xuống 32.990,12 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,6% xuống 4.132,15 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,4% xuống 12.081,39 điểm.
Phiên giao dịch ngày 31/5 khép lại một tháng giao dịch giằng co của chứng khoán Mỹ. Kết thúc tháng 5, chỉ số S&P 500 không có nhiều thay đổi nhờ vào đà hồi phục trong tuần trước. Chỉ số Nasdaq giảm khoảng 2,1%.
Diễn biến chỉ số S&P 500 trong tháng 5/2022. Ảnh: CNBC.
“Thị trường đang đánh giá lại chuỗi tăng điểm hồi cuối tuần trước, kiểm chứng mức độ bền vững của nó”, Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group, chia sẻ. “Chúng ta vẫn đang phải đối diện với nhiều thách thức như lạm phát, quá trình siết chính sách tiền tệ và tăng lãi suất”, ông nói.
Diễn biến thị trường trong ngày 31/5 phản ánh tâm lý quan ngại của nhà đầu tư, cho rằng lạm phát đang ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng. Tại châu Âu, dữ liệu sơ bộ cho thấy lạm phát trong tháng 5 cao kỷ lục 8,1%, và đây là tháng thứ 7 liên tiếp chỉ số giá tại khu vực này tăng lên.
Diễn biến trên thị trường dầu mỏ cũng được nhà đầu tư hết sức quan tâm. Giá dầu ban đầu tăng sau khi Liên minh châu Âu nhất trí cấm phần lớn dầu nhập khẩu từ Nga, nhưng sau đó hạ nhiệt khi tờ Wall Street Journal đăng tải thông tin Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đang cân nhắc loại bỏ Nga ra khỏi kế hoạch sản lượng của khối.
Cổ phiếu năng lượng giảm điểm mạnh nhất trong nhóm S&P 500 dù bật tăng đầu phiên. Giá cổ phiếu của Chevron giảm 2% trong khi giá cổ phiếu của Schlumberger giảm 4,3%.
Nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đóng vai trò hỗ trợ thị trường. Giá cổ phiếu của Amazon tăng 4,4%, giá cổ phiếu của Alphabet (công ty mẹ của Google) tăng 1,3%.
Đầu tháng 5, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,5% nhằm sớm kiểm soát lạm phát. Nhà đầu tư khi đó lo sợ nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái.
“Lạm phát cao và tăng trưởng thấp hiện tại là nhận định của phần lớn nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại, nhưng điều đó không đồng nghĩa quan ngại suy thoái đã hoàn toàn biến mất”, Mile Wilson, Chiến lược gia tới từ Morgan Stanley, nhận định.
Báo cáo lợi nhuận quý I “thất vọng” của một số doanh nghiệp lớn như Walmart và Snap Inc cho thấy lạm phát đang ảnh hưởng tiêu cực tới người tiêu dùng Mỹ và ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.
Nhà đầu tư cũng quan tâm tới tình hình chiến sự tại Ukraine, diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc và các vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.
Thị trường diễn biến xấu trước một loạt các thông tin tiêu cực. Chỉ số S&P 500 trong ngày 20/5 có thời điểm rơi vào thị trường giá xuống khi giảm hơn 20% so với đỉnh. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones có chuỗi giảm điểm tuần dài nhất kể từ năm 1923 với 8 tuần liên tiếp.
Trong tuần trước, chỉ số Dow Jones và S&P 500 có tuần tăng điểm mạnh nhất từ tháng 11/2020. Dow Jones tăng 6,2%, kết thúc chuỗi giảm điểm 8 tuần. Chỉ số S&P 500, Nasdaq tăng 6,8%. Chuỗi giảm điểm 7 tuần của hai chỉ số này cũng chính thức khép lại.
Hiện tại, Dow Jones thấp hơn 10,7%, S&P 500 thấp hơn 14,2% và Nasdaq thấp hơn 25,5% so với đỉnh.