Kết phiên 29/4, các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ chìm trong sắc đỏ. Amazon vừa trở thành cái tên mới nhất trong danh sách những cổ phiếu công nghệ vị bán tháo trong tháng qua.
Chỉ số Nasdaq Composite giảm gần 4,3% còn 12.334,64 điểm, ảnh hưởng lớn bởi sự sụt giảm giá cổ phiếu Amazon. Chỉ số S&P 500 giảm 3,6% xuống 4.131,93 điểm. Chỉ số Dow Jones Industrial Average tiếp tục có một phiên giảm sâu 939,18 điểm, tương đương 2,8%, xuống 32.944,21 điểm.
Phiên giao dịch 29/4 cũng khép lại một tháng giao dịch ảm đạm khi nhà đầu tư phải đương đầu với một loạt “cơn gió chướng”, từ quá trình siết chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, lãi suất tăng, lạm phát cao cho tới đợt bùng phát dịch mới nhất tại Trung Quốc và cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Trong tháng 4, chỉ số Nasdaq giảm 13,3%, đánh dấu tháng giao dịch tiêu cực nhất kể từ tháng 10/2008, thời điểm nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Chỉ số S&P 500 giảm 8,8%, tháng tệ nhất của chỉ số này trong hơn 2 năm qua. Chỉ số Dow Jones giảm 4,9%.
Cổ phiếu lĩnh vực công nghệ là tâm điểm làn sóng bán tháo trong tháng 4, trước những mối lo như lãi suất tăng mạnh, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch bệnh Covid-19 và cuộc xung đột quân sự tại Ukraine.
Giá cổ phiếu của Amazon giảm 14% trong phiên 29/4, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2006, sau khi công ty này báo cáo lợi nhuận thất vọng và dự báo triển vọng không mấy khả quan trong quý tiếp theo.
“Diễn biến hiện tại cho thấy thị trường có thể sẽ không chỉ đối mặt với một đợt điều chỉnh “kéo dài” và “đau đớn”, mà còn là một thứ gì đó tồi tệ hơn”, theo Michael Shaoul, chủ tịch Marketfield Asset Management.
“Ví dụ, thị trường giảm sâu trong tháng 3/2020, nhưng sau đó phục hồi rất nhanh. Thị trường hiện tại có thể mang lại thua lỗ nặng đối với những nhà đầu tư gia nhập thị trường trong giai đoạn bùng nổ năm 2021. Và triển vọng về “một thị trường giá xuống” đã len lỏi tới những cổ phiếu đầu ngành”, Shaoul bổ sung.
Cổ phiếu Amazon giảm mạnh trong phiên giao dịch 29/4. Ảnh: Reuters.
Chỉ số Nasdaq Composite trên thực tế đã rơi vào thị trường giá xuống, thấp hơn 23,9% so với đỉnh. Chỉ số S&P cũng đang thấp hơn 14,3% so với đỉnh. Chỉ số Dow Jones thấp hơn 10,8%.
Phiên giao dịch ngày 29/4 khép lại một trong những tuần bận rộn nhất của mùa báo cáo lợi nhuận quý I, đồng thời là một tuần giao dịch căng thẳng đối với nhóm cổ phiếu công nghệ, ảnh hưởng lớn tới tâm lý nhà đầu tư trong suốt tuần qua.
Giá cổ phiếu của Apple giảm 3,7% sau khi ban lãnh đạo tập đoàn này cho biết tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng có thể sẽ ảnh hưởng lớn tới doanh thu quý III của họ.
Giá cổ phiếu của Intel giảm 6,9% sau báo cáo triển vọng quý II ảm đạm.
Khoảng 80% doanh nghiệp thuộc nhóm chỉ số S&P 500 ghi nhận lợi nhuận vượt kỳ vọng. Hơn một nửa số doanh nghiệp trong khối đã báo cáo kết quả, theo FactSet.
“Dù kết quả lợi nhuận nhìn chung khả quan trong quý I, nhưng điều đó hoàn toàn bị lu mờ trước những mối lo liên quan tới lạm phát và Fed”, Brian Belski, chia sẻ trong một báo cáo gửi tới khách hàng.
Dữ liệu lạm phát công bố ngày 29/4 càng củng cố thêm tình cảnh khó khăn đó. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân cốt lõi, chỉ số đo lường lạm phát ưa thích của Fed, đã tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước đó.
Trong tuần tới, nhà đầu tư sẽ chờ đợi cuộc họp chính sách của Fed, báo cáo thị trường lao động tháng 4 và báo cáo lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp như Pfizer, Starbucks, Uber…
Tílới thời điểm hiện tại của năm 2022, chỉ số S&P 500 giảm 13,3%. Chỉ số Nasdaq giảm 21,2%. Dow Jones giảm gần 9,3%.