Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/12, chỉ số Dow Jones mất 73,55 điểm (0,22%) còn 33.147,25 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,78 điểm (0,25%) xuống 3.839,5 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 11,61 điểm (0,11%) xuống 10.466,48 điểm.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)
Chứng khoán Mỹ giảm điểm kỷ lục trong năm qua do chính sách tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, những lo ngại về suy thoái, xung đột giữa Nga và Ukraine và sự gia tăng về số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc.
Cả 3 chỉ số chính trên Phố Wall đều giảm năm đầu tiên kể từ năm 2018, khi chính sách tiền tệ nới lỏng kết thúc, với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất với tốc độ mạnh nhất kể từ những năm 1980.
Năm nay, chỉ số S&P 500 giảm 19,4% khi giá trị thị trường mất gần 8.000 tỷ USD. Chỉ số Dow Jones và Nasdaq giảm lần lượt 8,8% và 33,1%, do sự lao dốc của cổ phiếu công nghệ.
Mức giảm tính theo phần trăm của cả 3 chỉ số là mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chủ yếu do giá các cổ phiếu tăng trưởng giảm mạnh, trước lo ngại FED tăng mạnh lãi suất sẽ khiến lợi suất trái phiếu của Mỹ tăng.
Lạm phát vẫn ở mức cao hơn dự đoán của Phố Wall, buộc FED khởi động đợt tăng lãi suất mạnh nhất nhiều thập kỷ. Xung đột Ukraine và căng thẳng trên thị trường năng lượng sau đó càng khiến thị trường biến động. Bóng ma suy thoái toàn cầu cũng đang dần hiển hiện.
“Chúng ta đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức, từ tình hình COVID-19 ở Trung Quốc cho tới chiến tranh ở Ukraine. Tất cả đều rất nghiêm trọng. Nhưng đối với nhà đầu tư, đáng sợ hơn cả là việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ”, Giám đốc giao dịch Art Cashin của UBS nhận định với hãng tin CNBC.
Nhóm cổ phiếu tăng trưởng - vốn tăng mạnh trong đại dịch, đã dần đi xuống. Nhà đầu tư chuyển sang nắm giữ tiền mặt. Việc hàng loạt tài sản bị bán tháo trong năm 2022 gây tổn hại đặc biệt cho các nhà đầu tư sử dụng chiến lược 60/40 - 60% tiền vào cổ phiếu và 40% vào trái phiếu.
Theo Hani Redha, Quản lý danh mục đầu tư toàn cầu tại PineBridge Investments, năm 2022 có lẽ là một trong những năm khó khăn nhất cho những người tham gia thị trường.
Thực tế, Dow Jones và S&P 500 đã chấm dứt được chuỗi ba quý giảm liên tiếp. Dù vậy, thành tích quý IV vẫn không đủ xoay chuyển kết quả chung của cả năm. Trong khi, Nasdaq - chỉ số bị chi phối bởi những hãng công nghệ như Apple, Tesla và Microsoft, lần đầu trải qua 4 quý giảm liên tiếp kể từ 2001.
Khối lượng giao dịch trong tuần này rất thấp, trái ngược với một năm bận rộn trên thị trường. Nhiều nhà giao dịch đã hy vọng thị trường chứng khoán kết thúc năm với số điểm cao, như các dịp Giáng Sinh và năm mới trước đây.
Chứng khoán Mỹ có xu hướng tăng trong giai đoạn Noel. Kể từ năm 1950, mức tăng trung bình là 1,3% trong 5 phiên giao dịch cuối năm và 2 phiên đầu năm mới. Tuy nhiên năm nay, S&P 500 đã giảm 0,1% trong 5 ngày đầu tiên của giai đoạn này.
Ít nhà đầu tư cho rằng thị trường sẽ bớt biến động trong tuần giao dịch đầu năm 2023. Tuy nhiên, một số hy vọng thị trường chạm đáy trong năm sau để khởi đầu cho một đợt phục hồi mới.
"Lạm phát vẫn đang cao, thị trường nhà đất đang suy giảm, tốc độ tăng trưởng chậm lại. Tất cả những điều đó cho thấy nền kinh tế có khả năng tiếp tục đi xuống trong nửa đầu năm 2023", Peter Essele, Trưởng bộ phận quản lý danh mục đầu tư của Commonwealth Financial Network, đánh giá.
Dù vậy, ông cũng cho rằng điều này có thể khiến FED đưa ra tín hiệu về khả năng cắt giảm lãi suất năm tới. "Điều đó có thể tạo ra triển vọng sáng sủa cho nửa cuối năm 2023", vị chuyên gia nhận định.
Gần đây, Chủ tịch FED Jerome Powell tuyên bố FED không thể xem xét hạ lãi suất cho đến khi họ chắc chắn lạm phát đang chậm lại và hướng tới mục tiêu 2%.