Thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây biến động mạnh, có xu hướng điều chỉnh khá sâu sau khoảng năm rưỡi tăng ấn tượng lên đỉnh cao lịch sử. Nhóm cổ phiếu ngân hàng thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của giới đầu tư.
Mở cửa phiên giao dịch sáng 15/7, các cổ phiếu tiếp tục chịu áp lực giảm khá mạnh. Chỉ số VN-Index giảm ngay khoảng 8,5 điểm ngay đầu phiên. Gần như toàn bộ các cổ phiếu trong nhóm VN30 đều giảm.
Trong 30 cổ phiếu lớn nhất trên sàn HOSE, chỉ có cổ phiếu VietinBank (CTG) và Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thỉnh thoảng giữ được sắc xanh, cùng với PNJ, PDR, VNM, POW giữ được sắc vàng (đứng giá). Còn lại đều giảm.
Thế Giới Di Động (MWG) giảm khá mạnh, mất 2.500 đồng.
Tuy nhiên, mức giảm chung trên thị trường có xu hướng co hẹp lại nhờ sức cầu bắt đáy khi VN-Index về ngưỡng 1.270 điểm.
Tổ chức Dragon Capital vừa đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt. Trong khi một số công ty chứng khoán khuyến cáo các nhà đầu tư hạn chế sử dụng margin và có thể bắt đáy khi VN-Index về 1.260 điểm.
Trong nước, giới đầu tư tiếp tục quan tâm tới thông tin các ngân hàng thương mại được yêu cầu giảm lãi suất cho vay sau một khoảng thời gian dài huy động lại thấp và giữ lãi suất cho vay ở mức cao.
Thông tin một loạt ngân hàng được nới tăng trưởng tín dụng cũng được thị trường quan tâm. Đây là một thông tin tích cực đối với nhóm ngành này. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản chấp thuận cho nhiều ngân hàng được nới room tín dụng, thay vì mức cao nhất là 10-12% được cấp ban đầu, trong đợt cấp tăng trưởng tín dụng lần này, có ngân hàng được điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng cả năm lên tới 14-15%. Động thái này diễn ra trong bối cảnh nhiều ngân hàng đã đáp ứng tốt chuẩn Basel II và đang bước sang lộ trình Basel III. Và các ngân hàng đồng loạt gửi văn bàn lên NHNN để xin room tăng trưởng tín dụng mới.
Sức cầu bắt đáy tăng giúp VN-Index bớt giảm điểm. |
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng thu hút sự chú ý của thị trường. Thanh khoản gần đây tăng trưởng mạnh, qua đó giúp các mảng kinh doanh như môi giới, tự doanh tích cực. Ngành thép tiếp tục hưởng lợi từ giá thép cao. Thép Nam Kim vừa công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm cao gấp 4 lần cả năm 2020 và hoàn thành 94% kế hoạch 2021.
Một số chuyên gia cho rằng, kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn khá ổn định. HSBC cho rằng, nền kinh tế đang có nhiều tín hiệu tích cực cho thách thức vẫn còn nhiều phía trước. Việt Nam cần có những chính sách kịp thời cả về tài khóa và tiền tệ nhằm hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân. Một số tổ chức tin rằng, Việt Nam làm rất tốt ở giai đoạn đầu đại dịch và sẽ đạt thành tích tương tự với vaccine.
Trong phiên 14/7, VN-Index tiếp tục lao dốc, thị trường bốc hơi hàng tỷ USD sau gần cả năm 2020 và 6 tháng đầu năm tăng giá mạnh. Các cổ phiếu blue-chips giảm rất mạnh, qua đó kéo thị trường xuống sâu. Chỉ số VN-index có lúc mất hơn 30 điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch chiều ngày 14/7, chỉ số VN-Index giảm 17,63 điểm xuống 1.279,91 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 0,15 điểm lên 296,84 điểm. Upcom-Index giảm 0,8 điểm xuống 84,56 điểm. Thanh khoản trên thị trường đạt 21,9 nghìn tỷ đồng.
Theo Agriseco Research, sau khi chinh phục không thành công mốc kháng cự tâm lý 1.300 điểm trong phiên sáng 14/7, VN-Index đã giảm mạnh. Tính từ vùng đỉnh lịch sử, VN-Index đã điều chỉnh hơn 150 điểm tương đương hơn 11%, mức giảm này chưa bằng đợt điều chỉnh hồi tháng 2. Thanh khoản trên sàn HOSE hồi phục nhẹ so với phiên liền trước nhưng vẫn đang ở mức khá thấp so với trung bình 20 phiên gần nhất. Thị trường có thể xuất hiện những nhịp hồi kỹ thuật xung quanh vùng hỗ trợ 1.250 điểm nhưng xu hướng tăng giá trung hạn đã bị phá vỡ nên các cơ hội đầu tư hiện tại đang tương đối hạn chế.
Theo VDSC, thị trường đã giảm 4/5 phiên vừa qua, sau nhịp bắt đáy vòng đầu tiên không thành công, nguy cơ cắt lỗ khi lượng hàng T+3 về tài khoản vào phiên 15/7 ở phiên khớp lệnh kỷ lục.
Đêm qua và rạng sáng 15/7 (giờ Việt Nam), giá vàng trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng vọt và vượt xa ngưỡng 1800 USD/ounce sau khi Mỹ công bố một loạt thông tin, trong đó có thông tin lạm phát cao và chỉ số giá sản xuất tăng mạnh.
Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá sản xuất tăng mạnh 1% trong tháng 6 sau khi đã tăng 0,8% trong tháng 5. Số liệu này cao hơn so với dự báo 0,6% của các nhà kinh tế. Mức tăng theo năm là 7,3%. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ cuối 2010.
Trước đó, Bộ Lao động Mỹ cho biết, lạm phát trong tháng 6 tăng 5,4% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất trong 13 năm qua.
Chứng khoán Mỹ phiên 14/7 (rạng sáng 15/7 giờ Việt Nam) tăng nhẹ và ở vùng cao lịch sử. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng hơn 44 điểm lên 34.933 điểm. Tính từ đầu năm tới nay, chỉ số này đã tăng hơn 31%. Chỉ số tầm rộng S&P 500 cũng tăng nhẹ hơn 5 điểm lên 4.374 điểm. Từ đầu năm, chỉ số này tăng 36,8%. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm nhẹ 32,7 điểm xuống 14.945 điểm.
Lợi tức trái phiếu 10 năm của Mỹ đứng ở mức 1,35%.
Chứng khoán châu Âu và châu Á phiên liền trước phần lớn giảm điểm.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được cho là sẽ thực hiện bước tiếp theo tiến tới phát hành đồng euro kỹ thuật số khi khởi động giai đoạn thăm dò vào ngày 14/7. Động thái trên diễn ra khi đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy việc giảm sử dụng tiền mặt. Đồng euro kỹ thuật số được gọi là "e-euro", là phiên bản điện tử của đồng euro giấy và xu.
V. Hà