Trong 5 tháng đầu năm, có gần nửa triệu tài khoản chứng khoán mới được mở, cao hơn 20% cả năm ngoái. Dòng tiền từ lớp nhà đầu tư mới (F0) là động lực tăng trưởng quan trọng của thị trường thời gian qua. Tuy nhiên các chỉ số được đánh giá là đang ở vùng đỉnh theo phân tích kĩ thuật, thị trường theo đó ngày càng trở nên rủi ro. Không ít nhà đầu tư đã rút một phần hoặc toàn bộ vốn khỏi thị trường chứng khoán để chuyển qua kênh tiết kiệm nhằm bảo toàn thành quả.
Cùng với đó, một bộ phận lớn người dân, đặc biệt những người lớn tuổi có tâm lý an toàn, nên ưa thích gửi ngân hàng, hơn là các kênh có mức độ rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản.
Vậy thì, có 200 triệu đồng gửi tiết kiệm ở thời điểm hiện tại, nên gửi ngân hàng nào để có lợi nhất?
Dưới đây là bảng so sánh lãi suất của 26 ngân hàng áp dụng tháng 6/2021 để bạn có thể tham khảo và lựa chọn.
Nhìn vào bảng lãi suất có thể thấy, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (VietcomBank, BIDV, VietinBank) có lãi suất thấp nhất thị trường. Tuy nhiên, 4 ngân hàng thương mại nhà nước lại là chiếm tới 50% thị phần tín dụng của nền kinh tế. Nhóm này có lợi thế vì là doanh nghiệp nhà nước, lâu đời, có uy tín và thương hiệu đã quen thuộc với đa số người dân.
Nhóm có lãi suất cao nhất là các ngân hàng có quy mô nhỏ như: Bắc Á Bank, Nam Á Bank, SeABank, VietBank, NCB. Một số ngân hàng tầm trung, có kết quả kinh doanh năm 2020 khá tốt cũng cũng có mức lãi suất khá cao như VIB, HDBank, TPBank.
Theo bảng thống kê, hiện VietBank là ngân hàng có lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 1-3 tháng 4% - đây cũng là mức trần tối đa mà NHNN cho phép. Ở kỳ hạn 6 tháng, ngân hàng có lãi suất cao nhất là NCB với mức lãi suất là 6,05%. Ở kỳ hạn 12 tháng mức lãi suất cao nhất thuộc về HDB là 6,9%.
Lãi suất ở từng ngân hàng sẽ thay đổi theo thời kỳ, tuỳ thuộc vào nhu cầu tín dụng của ngân hàng đó. Ngoài ra, ở thời điểm hiện tại, một số ngân hàng đang đẩy mạnh huy động qua tài khoản online, mức lãi suất có thể cao hơn 0,1-0,2% so với gửi tại quầy.
Việc duy trì lãi suất huy động ở mức thấp giúp các ngân hàng có lợi nhuận tốt hơn nhưng lại giảm khả năng huy động vốn của các ngân hàng. Nhiều dự báo cho rằng, lãi suất có thể tăng thêm khoảng 0,5% từ nay tới cuối năm khi tín hiệu phục hồi của nền kinh tế trở nên rõ ràng hơn.