Vừa mở cửa phiên sáng nay (13/3), thị trường chứng khoán châu Á đã rơi vào cơn bán tháo tồi tệ sau khi chứng kiến phố Wall hoảng loạn đêm qua. Nỗi sợ về dịch bệnh tiếp tục đè nặng lên tâm lý của nhà đầu tư.
Ở Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm mạnh nhất trong khu vực với mức giảm 9%. Đóng cửa phiên chiều qua chỉ số này đã rơi vào thị trường con gấu, chốt phiên ở mức 18.559 điểm - giảm 20% so với mức đóng cửa cao nhất trong 52 tuần trở lại đây. Topix cũng mất 6,8%.
Ở Australia, S&P/ASX 200 giảm hơn 7,5%. Chỉ số này rơi vào thị trường con gấu từ thứ 4 và hôm qua mất hơn 7%.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 6,7%. MSCI châu Á Thái Bình Dương giảm 2,05%.
Theo Kim Mundy, chiến lược gia tiền tệ tại Commonwealth Bank of Australia, "hệ thống tài chính toàn cầu đang trở nên đứt gãy. "Phía sau mỗi cú chấn động là việc nhà đầu tư không tin tưởng rằng chính phủ các nước đã có kế hoạch đúng đắn để ứng phó với những tác động của virus corona lên sức khỏe người dân cũng như sức khỏe nền kinh tế".
Đêm qua, chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa giảm 2.352 điểm, mạnh nhất kể từ ngày thứ hai đen tối năm 1987 (khi đó giảm hơn 22%). S&P 500 cũng có phiên tồi tệ nhất kể từ 1987, giảm 9,5%. Nasdaq giảm 9,4%.
Trong lúc thị trường lao dốc không phanh, Cục dự trữ liên bang Mỹ hôm qua đã có những động thái mới mà theo đó sẽ bơm hơn 1.000 tỷ USD vào hệ thống tài chính để giúp ổn định lại tình hình. Tuy nhiên dường như điều này cũng không tác động quá mạnh vào tâm lý của nhà đầu tư.
Ở châu Âu, NHTW châu Âu đã khiến thị trường thất vọng khi quyết định không hạ lãi suất sau cuộc họp hôm qua. Tuy nhiên ECB đã thông báo các biện pháp hỗ trợ hoạt động cho vay và tăng quy mô chương trình mua tài sản thêm 135 tỷ USD.