Theo báo cáo Chiến lược đầu tư với tựa đề "Cơ hội lớn thường đến trong những thời điểm khó khăn" của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt, trong bối cảnh chính sách tiền tệ có nhiều ràng buộc, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trước. Các năm qua, quá trình giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp trong đó chính sách và luật pháp là một trong những yếu tố cốt lõi.
Từ năm 2020, nhóm nghiên cứu của báo cáo cho rằng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ bắt đầu tăng mạnh trở lại tại 04 lĩnh vực chính gồm: (1) Đường cao tốc, 2) Sân bay, 03) Nhiệt điện và 04) Hạ tầng chuẩn bị cho Sea Games 31. Quy mô vốn đầu tư công có thể giải ngân năm 2020 lên tới 500 nghìn tỷ, tăng 16% so với cùng kỳ so với dự toán 2019.
2020 là năm cuối cùng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 do Quốc hội đề ra. Ngay từ tháng 1/2020, Luật đầu tư công sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực và được kỳ vọng sẽ giải quyết những điểm nghẽn trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công.
Sự kiện khởi công các cấu phần đầu tiên của đại dự án Cao tốc Bắc Nam trong tháng 9 vừa qua được xem như điểm khởi đầu cho thời kỳ nâng cấp cơ sở hạ tầng trên quy mô lớn tại Việt Nam. Bên cạnh việc tái khởi công các dự án giao thông đường bộ trọng điểm đang bị chậm trễ, dự án cao tốc Bắc-Nam và sân bay Long Thành sẽ lần lượt được khởi công xây dựng trong 2 năm tới đây.
Dự án Cao tốc Bắc-Nam, xương sống trong hệ thống giao thông đường bộ của Việt Nam, sẽ kết nối và mang cơ hội phát triển tới các tỉnh/thành phố trên dải đất miền Trung. Tổng quy mô dự án đạt khoảng 5 tỷ USD, trong đó 3/11 tuyến đường/đoạn sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước (NSNN) đã và sẽ được triển khai trong quý 4/2019. Phần còn lại dự kiến sẽ dần triển khai từ quý 2/2020 theo hình thức PPP. Từng tuyến đường/đoạn dự kiến hoàn thành trong 18 tháng kể từ thời điểm khởi công.
Điểm nổi bật trong dự án Cao tốc Bắc-Nam gắn với việc Bộ giao thông vận tải công bố hủy đấu thầu quốc tế và chuyển sang đấu thầu trong nước. Với quy mô tổng mức đầu tư các dự án theo hình thức PPP trong cao tốc Bắc-Nam lên tới 4 tỷ USD, đây thực sự là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước.
Đi kèm với đó là thách thức huy động vốn cho dự án. Hiện tại, tìm nguồn vốn tín dụng cho các dự án đầu tư đường cao tốc vẫn đang là bài toán hóc búa do các ngân hàng thận trọng hơn cùng với những vướng mắc về cơ chế đầu tư công-tư (PPP) chưa hoàn toàn được giải quyết. Tuy nhiên, những nỗ lực gần đây từ phía nhà điều hành giúp huy động gần 9.000 tỷ đồng vốn tín dụng cho dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Hữu Nghị - Chi Lăng đã phát đi tín hiệu đảm bảo cung ứng đủ vốn cho các dự án trọng điểm của quốc gia.
Để chia lửa cho hệ thống tín dụng trong nước, mới đây IFC nhận được sự ủng hộ từ Bộ Tài Chính về kế hoạch phát hành trái phiếu Bông Sen, trái phiếu tiền đồng của IFC, ra thị trường quốc tế nhằm huy động vốn cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước mà không phải lo về tỷ giá.