CTCK Rồng Việt (VDSC) vừa công bố báo cáo chiến lược tháng 7/2017. Theo đánh giá của VDSC, bất chấp những rủi ro bên ngoài từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng nhất từ năm 2011 trong nửa đầu năm 2018 như tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái với sự phục hồi của nông nghiệp, và sự tăng trưởng nhanh hơn của ngành sản xuất và dịch vụ.
Chỉ số PMI của Việt Nam đạt 55,7 điểm trong tháng 6 từ mức 53,9 điểm trong tháng 5 nhờ gia tăng sản lượng và các đơn đặt hàng mới. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 8,3% so với cùng kỳ (đã điều chỉnh lạm phát), cao hơn mức tăng 7,9% trong nửa đầu năm 2017. Niềm tin của người tiêu dùng cũng như các nhà đầu tư đang gia tăng: người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng trả nhiều hơn cho các mặt hàng cao cấp như bảo hiểm y tế và hàng tiêu dùng tùy chọn. Thêm vào đó, nhờ sự khuyến khích và hỗ trợ của Chính phủ, các nhà đầu tư trong nước đã đầu tư nhiều hơn vào sản xuất hàng hóa thay thế.
Trên thị trường chứng khoán, mức P/E của VNIndex giảm xuống còn khoảng 16x, tương đương với mức trung bình giữa năm 2017 sau hơn 3 tháng liên tiếp điều chỉnh sâu vừa qua. Trong khi đó, tăng trưởng LNST của thị trường là 24% trong quý 1 năm 2018, và PEG của thị trường đang thấp hơn 1.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro từ các yếu tố bên ngoài (FED tăng lãi suất, chiến tranh thương mại, giảm giá đồng Nhân dân tệ) có thể gây thêm áp lực làm mất giá tiền Đồng và dẫn đến sự rút ra nhanh chóng của dòng tiền "nóng" (từ các quỹ đầu cơ).
Mặc dù tin rằng NHNN sẽ có đủ nguồn lực để kiểm soát biến động của tỷ giá theo sát mục tiêu điều hành năm 2018 nhưng VDSC cho rằng chính sách tiền tệ sẽ chặt chẽ hơn trong nửa cuối 2018, khiến dòng vốn cho các lĩnh vực rủi ro như thị trường chứng khoán và bất động sản sẽ giảm dần.
Từ những lý do này, cùng với mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2 đang đến gần, VDSC cho rằng cơ hội mua với mức giá hấp dẫn sẽ đến trong các đợt điều chỉnh mạnh của thị trường. Tuy nhiên, xu hướng tăng sẽ không diễn ra ở tất cả các cổ phiếu/ngành. Dòng tiền thông minh sẽ lựa chọn các công ty có kết quả kinh doanh tốt và mức độ sử dụng đòn bẩy thấp.
VDSC kỳ vọng quý 3 là thời gian củng cố của Vn-Index. Phạm vi mục tiêu dự báo của VDSC là 900 đến 1.000 điểm, với khả năng cao chỉ số sẽ kiểm định lại vùng 900 điểm. Trường hợp Vn-Index giảm xuống dưới ngưỡng 900, chỉ số có thể sẽ hướng đến mức 840, giới hạn dưới của xu hướng tăng trong hai năm qua.
VDSC tin rằng xu hướng Vn-Index trong vài tháng tới vẫn là giảm và sẽ có cơ hội mua tốt hơn khi đợt điều chỉnh này kết thúc.