Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội (mã chứng khoán: SHS) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ bất thường năm 2022, trong đó nội dung đáng chú ý là tờ trình về phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, SHS muốn chào bán hơn 325 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu có quyền mua 1 cổ phiếu mới). Giá phát hành là 12.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi trên thị trường chứng khoán, hiện cổ phiếu SHS đang giao dịch tại mức 41.000 đồng/cp (phiên 7/2).
Theo kế hoạch, mục đích của đợt phát hành là bổ sung vốn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Cụ thể, với số tiền thu về tối đa là 3.903 tỷ đồng, SHS sẽ sử dụng 60% (~2.342 tỷ) bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin); còn lại 40% (~1.561 tỷ) sử dụng cho hoạt động đầu tư kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá trên thị trường.
Nếu tăng vốn thành công, vốn điều của Chứng khoán SHS sẽ tăng lên mức 6.505 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong tháng 4/2022, sau khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận chào bán để đảm bảo lợi ích cổ đông.
Báo cáo tình hình sử dụng vốn trong đợt phát hành tăng vốn năm 2021, toàn bộ 48 tỷ đồng thu được từ chào bán cổ phiếu ESOP đã được sử dụng cho mục đích bổ sung vốn hoạt động kinh doanh của công ty. Mặt khác, hơn 1.399 tỷ đồng thu được từ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, SHS chi gần 560 tỷ cho hoạt động cho vay ký quỹ margin, gần 560 tỷ bổ sung đầu tư kinh doanh giấy tờ có giá và còn gần 280 tỷ để đầu tư cổ phiếu.
Trả lời thắc mắc cổ đông trong Đại hội, ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc SHS cho biết trong năm 2022, hoạt động đầu tư mũi nhọn của SHS vẫn là cổ phiếu giá trị, tùy thời điểm sẽ thay đổi danh mục, tận dụng để phát triển; ngoài ra hoạt động kinh doanh, phát triển trái phiếu của công ty cũng kỳ vọng tăng trưởng và mang lại nhiều hiệu quả.
Tính đến thời điểm cuối năm 2021, danh mục tự doanh của SHS chiếm tới 47% là cổ phiếu TCB, GEX, SSI. Ông Tiến cho biết đây không phải danh mục đầu tư mới của SHS mà đã trong thời gian dài, do đó giá vốn thấp và mang lại lợi nhuận cao về dài hạn. Bản thân Chứng khoán SHS cũng đi theo con đường đầu tư giá trị và lâu dài.
Sang tới năm 2022, SHS sẽ tiếp tục đầu tư vào các cổ phiếu SHB và TCB, nếu giá trị thị trường GEX thay đổi thì công ty sẽ xem xét đầu tư. SHS ưu tiên đánh giá thận trọng hiệu quả của các loại cổ phiếu trên nếu như có hành động bán ra, mua vào.
Cũng trong Đại hội, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHS chia sẻ kế hoạch tăng vốn nếu thành công sẽ đảm bảo cho SHS nâng cao năng lực tài chính, duy trì phát triển lên tầm cao mới trong năm 2022, hướng tới tầm nhìn 5 năm trở thành Tập đoàn tài chính vững mạnh, uy tín và bền vững.
Bên cạnh đó, dự kiến tỷ lệ chia cổ tức năm 2021 sẽ ở mức 50%, hình thức sẽ được căn cứ trên tình hình chung, chiến lược phát triển gắn với lợi ích cổ đông.
Về vấn đề chuyển sàn niêm yết sang HOSE, ông Hiển cho biết công ty ưu tiên phát triển lành manh, nếu chuyển đổi sàn giao dịch thì HĐQT sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua theo đúng trình tự và quy định của pháp luật cũng như điều lệ công ty.
Về tình hình kinh doanh, riêng trong quý 4/2021, SHS ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 725 tỷ đồng, tăng mạnh 67% so với cùng kỳ, LNST đạt 569 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2021, SHS đạt doanh thu 2.895 tỷ đồng, tăng trưởng 60,3% so với cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt mức kỷ lục 1.753 tỷ đồng, gấp 1,9 năm ngoái và đạt 233% mức kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021.