Từ khi xác lập đáy 650 điểm vào cuối quý 1/2020, TTCK Việt Nam đã hồi phục ngoạn mục và hiện đã lên sát đỉnh lịch sử 1.204 điểm. Diễn biến tích cực của thị trường thời gian qua có đóng góp không nhỏ từ các nhà đầu tư nội, trong đó có không ít nhà đầu tư lớn với quy mô hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Những nhà đầu tư này thường được thị trường gọi với tên "cá mập".
Một trong số những "cá mập" góp phần nâng đỡ thị trường giai đoạn qua phải kể đến ông Nguyễn Văn Nghĩa khi đã chi ra hàng trăm tỷ đồng để gia tăng sở hữu cổ phiếu Licogi 16 (LCG) và May Thành Công (TCM).
Với TCM, trong tháng 9/2020, ông Nguyễn Văn Nghĩa đã công bố trở thành cổ đông lớn. Từ đó tới nay, ông Nghĩa đã mua thêm 4,42 triệu cổ phiếu TCM và hiện đang nắm giữ 7,5 triệu cổ phiếu TCM, tương ứng tỷ lệ 12,1% cổ phần công ty.
Theo ước tính, ông Nguyễn Văn Nghĩa đã chi ra khoảng 125 tỷ đồng từ cuối tháng 9/2020 tới nay để gia tăng sở hữu TCM. Một điểm đáng chú ý, kể từ thời điểm ông Nguyễn Văn Nghĩa trở thành cổ đông lớn TCM vào cuối tháng 9/2020, cổ phiếu TCM đã bứt phá ngoạn mục từ vùng giá 22.000 đồng và hiện đã lên tới 60.700 đồng (giá đóng cửa phiên 13/1/2021), tương ứng mức tăng gần 3 lần, qua đó xác lập đỉnh mới của TCM kể từ khi niêm yết.
Cổ phiếu TCM tăng "phi mã" từ đầu tháng 10, thời điểm ông Nguyễn Văn Nghĩa trở thành cổ đông lớn
Tại giá đóng cửa phiên 13/1/2021, lượng cổ phiếu ông Nguyễn Văn Nghĩa nắm giữ có giá trị lên tới 455 tỷ đồng.
Cách đây vài năm, cũng từng có một cổ đông "cá mập" xuất hiện tại TCM, đó là ông Lê Quốc Hưng, hay còn được gọi với biệt danh Hưng "Gimiko". Tuy nhiên, đến tháng 6/2017, ông Lê Quốc Hưng đã bán TCM và không còn là cổ đông lớn tại doanh nghiệp này.
Với LCG, ông Nguyễn Văn Nghĩa đã công bố trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này vào tháng 6/2019. Sau khi trở thành cổ đông lớn, ông Nghĩa tiếp tục gia tăng sở hữu và chính thức tham gia vào Hội đồng quản trị LCG tại ĐHCĐ diễn ra sau đó 1 năm.
Vào tháng 10/2020, sau khi trở thành thành viên Hội đồng quản trị LCG, ông Nghĩa tiếp tục mua thêm 1 triệu cổ phiếu LCG (khoảng 10 tỷ đồng), qua đó nâng số lượng cổ phiếu LCG nắm giữ lên gần 8,88 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 7,57%.
Cũng như TCM, cổ phiếu LCG đã "dậy sóng" sau khi có sự hiện diện của ông Nguyễn Văn Nghĩa. Vào tháng 5/2020 (thời điểm ông Nghĩa vào Hội đồng quản trị), thị giá LCG chỉ khoảng 6.000 đồng/cp và kết phiên giao dịch 13/1/2021, thị giá LCG đã lên gần 16.000 đồng/cp, đây cũng là mức giá cao nhất của LCG trong hơn 10 năm qua. Tính theo thị giá phiên 13/1, lượng cổ phiếu LCG mà ông Nguyễn Văn Nghĩa nắm giữ hiện có giá trị 140 tỷ đồng.
LCG bứt phá mạnh sau khi ông Nguyễn Văn Nghĩa vào HĐQT
Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Văn Nghĩa từng là Phó TGĐ Prime Group, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, phân phối gạch tại Việt Nam.
Năm 2013, tập đoàn SCG (Thái Lan) đã chi khoảng 5.000 tỷ đồng để mua 85% cổ phần Prime Group và đến năm 2016, SCG đã chi thêm khoảng 1.350 tỷ đồng để mua nốt 15% cổ phần Prime Group từ các lãnh đạo công ty, bao gồm ông Nguyễn Văn Nghĩa.
Thời điểm cuối năm 2015, ông Nguyễn Văn Nghĩa nắm giữ 3,75% cổ phần Prime Group. Với việc bán cổ phần cho đối tác Thái Lan, ước tính ông Nguyễn Văn Nghĩa đã thu về khoảng 338 tỷ đồng khi đó.
Dù đã chia tay với Prime Group, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Nghĩa vẫn gắn bó với lĩnh vực gạch khi đang là Chủ tịch HĐTV công ty Thương mại Xây dựng Vận tải Thanh Long (Thanh Long Group). Thành lập năm 2001, Thanh Long Group hiện là doanh nghiệp sản xuất, phân phối gạch lớn tại Việt Nam với các sản phẩm gạch lát nền, gạch ốp tường, gạch sân vườn. Theo số liệu chúng tôi có được, doanh thu năm 2019 của Thanh Long Group đạt hơn 2.300 tỷ đồng và tổng tài sản công ty đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.